Bản hướng dẫn xét mình và cách thức xưng tội

0
10281
Hướng dẫn xét mình, xưng tội, lãnh nhận bí tích Giao hòa (bí tích Hòa giải).
Xưng tội, lãnh nhận bí tích Giao hòa (bí tích Hòa giải).

Bản hướng dẫn xét mình & cách thức xưng tội (xưng tội, còn gọi là lãnh nhận bí tích Giải tội, bí tích Giao hòa, hay còn gọi là bí tích Hòa giải), bí tích này do Chúa Giêsu thiết lập.
☘ Xem thêm kiến thức: Giáo lý dự tòng Công giáo – Bí tích giải tội.

Khi nào, bao lâu thì chúng ta nên đi xừng tội một lần? Thưa Anh-Chị-Em, bất cứ khi nào chúng ta đã biết/nhận thức rằng mình đã mắc vào dịp tội – gây ra tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều ta thiếu xót, dù đó là tội nhẹ hay tội trọng đi nữa thì cũng nên sắp xếp thời gian xưng tội sớm nhất đặc biệt là các tội trọng, và không quên xưng các tội mà ta quên sót. Ta đừng nên có thái độ chây lì hay mặc cảm trong tội lỗi quá lâu mà hãy đi xưng tội – đền tội sớm nhất có thể. Chúng ta đừng bỏ sót ơn ích, lòng thương xót mà Chúa ban cho chúng ta qua bí tích này.

***Kể cả khi khi không nhận thức rằng mình đã phạm tội thì cũng nên đi xưng tội (điều răn Hội  Thánh: xưng tội trong một năm ít là một lần) để xưng các tội, lỗi nghĩa mà ta quên sót, không để ý hoặc vấp phạm mà bản thân chúng ta không nhận ra, không nhận thấy.

Việc lãnh nhận bí tích Giải tội thường xuyên, cùng với bí tích Thánh Thể giúp chúng ta giữ sự giao hòa với Thiên Chúa một cách mật thiết. Ngoài ra bí tích Giao hòa này trợ giúp hối nhân thêm phần mạnh mẽ vượt thắng tội lỗi. Do đó, hãy lãnh nhận nhận một cách thường xuyên bí tích này để được ơn trợ giúp của Chúa, cùng với bí tích Thánh Thể – bí tích cao trọng bậc nhất để giữ sự kết hiệp mật thiết thiêng liêng với Chúa (ta rước Mình Thánh Chúa Kitô chính là đón nhận hương vị của Thiêng đàng ngay khi còn tại thế gian này).

Để chuẩn bị cho việc xưng tội (lãnh nhận bí tích giao hòa, hòa giải, giải tội) được mang tâm tình sốt sắng, trọn vẹn trước Chúa, sẽ có 3 bước mà mỗi hối nhân chúng ta cần chuẩn bị. Đó là: Chuẩn bị tâm hồn → Xét mình → Xưng tội và đền tội. Anh chị em cũng cần chú ý đến các kinh chúng ta cần đọc trước khi xưng tội để cầu nguyện thêm sức trợ giúp từ Chúa Thánh Thần, cho việc xưng tội được nên phần tập trung, sốt sắng, trọn vẹn.

*Mẹo nhỏ: Nếu hay quên thì ta hãy ghi các tội ra mẩu giấy nhỏ và số lần để khi xưng tội nhìn vào mà đọc, để tránh khi xưng tội mà tâm trí lo lắng, vội vàng, bồn chồn lại quên mất phải xưng những tội gì. Điều này làm mất thời gian của chúng ta, của các Cha giải tội và của những anh chị em khác (đứng xếp hàng phía sau). Ta cũng nhớ xưng các tội quên sót nữa. Xưng tội xong thì thu gọn giấy bỏ vào thùng rác hay nơi quy định, tránh bỏ giấy bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.

BƯỚC I: CHUẨN BỊ TÂM HỒN

Trước hết, hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể xét mình một cách tốt đẹp. Trong tâm tình cầu nguyện, hãy xem xét lại tất cả những hành vi của mình dưới ánh sáng của Mười Điều Răn và gương Chúa Kitô. Những câu hỏi dưới đây nhằm gợi ý và trợ giúp thực hiện một việc xét mình cẩn trọng.

Hãy xưng thú với linh mục một cách cụ thể những tội mà mình đã phạm, nếu được, tốt nhất nên nói rõ số lần phạm tội kể từ lần xưng tội trước. Tránh xưng tội một cách chung chung cho có, cũng như tránh kể lể dài dòng, nhất là kể về người khác như để bào chữa cho mình.

Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn trái với luật Chúa dạy, là xúc phạm đến Chúa, làm hại chính mình và người khác. Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng là cố tình phạm luật Thiên Chúa, trong những điều quan trọng mà chúng ta đã kịp suy biết. Tội trọng làm mất tình nghĩa giữa chúng ta với Thiên Chúa và nếu không hoán cải, chúng ta phải xa cách Ngài đời đời. Khi lỡ phạm tội trọng thì ta phải thực lòng thống hối và lo liệu đi xưng tội ngay, đồng thời dùng mọi phương thế để không tái phạm nữa.

Tội nhẹ là phạm một điều luật nhẹ hoặc một điều quan trọng, nhưng chưa kịp suy biết hay chưa hoàn toàn ưng theo. Tội nhẹ làm hại chúng ta thế nào? Tội nhẹ không làm mất tình nghĩa giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng làm cho chúng ta giảm bớt lòng yêu mến Chúa, dễ hướng chiều về điều xấu và dễ phạm tội trọng hơn.

Buộc phải xưng những tội trọng, vì những tội nhẹ đã được tha nhờ các việc lành phúc đức, những hy sinh, cầu nguyện, và các việc đạo đức khác. Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích khi xưng thú cả các tội nhẹ, vì nó sẽ giúp ta xa tránh tội lỗi và thăng tiến trên con đường thánh thiện.

Hãy nói cho linh mục giải tội biết bậc sống của mình: có gia đình hay độc thân, hay tu sỹ…

BƯỚC II – XÉT MÌNH

Xét mình theo Mười Điều Răn là một trong những phương thế ích lợi nhất trong việc chuẩn bị xưng tội của người Công Giáo qua nhiều thế kỷ. Trong tâm tình cầu nguyện, các hối nhân được khuyến khích dựa trên những Điều răn này để suy xét các hành vi của mình.

Các kinh đọc trước khi xưng tội: Kinh Đức Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Kinh Cậy, Kinh Mến, Kinh Sáng Soi, Kinh Cáo Mình (Kinh Thú Nhận), Kinh Ăn Năn Tội.

Xét Mình Xưng Tội Theo 10 Điều Răn

1./ Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

• Tôi có dành thời giờ cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không?
• Tôi có yêu mến Chúa với tất cả tâm hồn không?
• Tôi có tin mê tín dị đoan, đi coi bói, cầu cơ, dùng bùa ngải hay dính líu tới những đạo thờ
tà thần không?
• Tôi có đeo bùa may mắn, bùa hộ mạng, thờ cúng tượng ảnh không phải Thiên Chúa
không?
• Tôi có đặt mình hay những thần tượng của tôi (tài tử, người mẫu, danh ca…) trên Thiên
Chúa không?
• Tôi có vâng phục làm theo Lời Chúa như Giáo hội dạy không?
• Tôi có rước lễ trong lúc phạm tội trọng không?
• Tôi có cố tình nói dối hay che dấu tội trọng không xưng trong tòa giải tội không?
• Tôi có thờ ơ về những Giáo lý Công giáo không?
• Tôi có không tin tưởng Chúa hay tin Lòng thương xót của Ngài không?
• Tôi có nghi ngờ hay từ chối những giáo huấn, tín điều của Giáo hội không?
• Tôi có tham dự trực tiếp vào những việc thờ kính ngoài đạo Công giáo không?
• Tôi có là thành viên của những tổ chức chống Công giáo hay những tổ chức huyền bí
không?
• Tôi có kiêu ngạo, khoe khoang tài năng hầu được khen ngợi và được vinh dự không?
• Tôi có giận dữ, chửi Chúa không?

2./ Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

• Tôi có kêu tên Chúa cách vô cớ, xem thường hay dùng bất cẩn danh Chúa không?
• Tôi có chúc dữ cho người khác không?
• Tôi có xỉ vả một thánh nhân hay lạm dụng một vật thánh không?
• Tôi có danh Chúa vào việc phỉ báng, vu khống không?
• Tôi có càm ràm hay trách móc Chúa không?
• Tôi có nói xấu linh mục hay những người đã tận hiến cho Chúa không?
• Tôi có dùng danh Chúa thề hứa dối trá, bừa bãi không?
• Tôi có chửi thề người khác, hay thề hứa gian dối với người khác không?
• Tôi có không giữ lời thề hứa làm ảnh hưởng đến người khác không?
• Tôi có không thành thật, xấu hổ về đạo hay là người Công giáo không?
• Tôi có xấu hổ làm dấu Thánh giá hay cầu nguyện ở ngoài công cộng không?

3./ Giữ ngày Chúa Nhật.

• Tôi có cố ý bỏ lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?
• Tôi có đi lễ trễ vì lơ là không?
• Tôi có ra về sớm khi thánh lễ chưa kết thúc không?
• Tôi có khó chịu hay không thèm nghe linh mục giảng không?
• Tôi có làm việc xác ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?
• Tôi có chia trí, lo ra hay cứ chú ý tới người khác trong thánh lễ không?
• Tôi có dự lễ với trái tim giận dữ hay không tha thứ không?

4./ Thảo kính cha mẹ.

• Tôi có kính trọng hay vâng lời cha mẹ không?
• Tôi có khinh chê hay bỏ bê cha mẹ không?
• Tôi có không chăm sóc cha mẹ khi đau yếu, tàn tật, già cả không?
• Tôi có thiếu bổn phận với người phối ngẫu hay con cái không?
• Tôi có làm gương xấu cho gia đình không?
• Tôi có tạo sự bất hòa cho gia đình không?
• Tôi có không muốn là cha, là mẹ không?
• Tôi có đối xử tàn tệ, lạm dụng với người phối ngẫu hay con cái không?
• Tôi có đánh đập người phối ngẫu hay con cái không?
• Tôi có từ cha mẹ, hay từ con cái không?

Với con cái:
• Tôi có thiếu chăm sóc những nhu cầu cần thiết cho chúng không?
• Tôi có không để chúng được học đạo, hay lãnh nhận các Bí tích không?
• Tôi có để chúng được phép lơ là bổn phận giữ đạo không?
• Tôi có thiếu sửa dạy chúng không?
• Tôi có làm gương xấu, dạy điều xấu hay xúi chúng làm việc xấu không?
• Tôi có đuổi chúng ra khỏi nhà hay không nhận chúng là con không?

5./ Chớ giết người.

• Tôi có phá thái hay khuyến khích người khác phá thai không?
• Tôi có thi hành việc phá thai, hay buôn bán thuốc phá thai không?
• Tôi có làm hại hay làm tổn thương đến thể xác người khác không?
• Tôi có dính líu tới hay giết người không?
• Tôi có ước muốn cho người khác chết không?
• Tôi có âm mưu hay trả thù người chống đối tôi không?
• Tôi có lạm dụng rượu hay thuốc không?
• Tôi có làm cho người khác tai tiếng dẫn họ tới phạm tội không?
• Tôi có giận giữ hay phẫn uất không?
• Tôi có nuôi thù hận trong lòng với người khác không?
• Tôi có cắt bỏ bộ phận thân thể nào để làm mất khả năng sinh sản không?
• Tôi có không tha thứ, từ chối tha thứ cho người khác không?
• Tôi có ý định tự tử, hay trợ giúp người khác tự tử không?

6./ Chớ làm sự dâm dục.

• Tôi có trung thành với lời hứa hôn nhân qua tư tưởng hay hành động , lời nói không?
• Tôi có bất cứ hành động tình dục nào ngoài hôn nhân hay trước hôn nhân không?
• Tôi có sử dụng bất cứ phương pháp ngừa thai nhân tạo hay ngừa thai không tự nhiên không?
• Tôi có phạm tội thủ dâm không?
• Tôi có ấp ủ những tư tưởng không trong sạch, ước muốn tình dục với người khác không?
• Tôi có tôn trọng những người khác phái không?
• Tôi có hiếp dâm, quấy rối người khác không?
• Tôi có phạm tội đồng tình luyến ái, hay tình dục với người cùng phái tính không?
• Tôi có chăm chú vào những hình ảnh khỏa thân, khiêu dâm trên mạng lưới, sách báo, email hay nơi người khác không?
• Tôi có đang dùng thuốc ngừa thai không?
• Tôi có ăn mặc không kín đáo, khê gợi ở những nơi không phù hợp không?
• Tôi có gởi cho người khác bài viết hay hình ảnh không đứng đắn không?
• Tôi có xem phim hay chương trình xếp vào hạng khiêu dâm không?
• Tôi có tôn trọng sự trinh khiết của người tình không?
• Tôi có cho phép con cái hay người dưới quyền làm những hành động này không?
• Tôi có dùng những danh từ hay kể chuyện không đứng đắn không?
• Tôi có thích nghe, thích đọc những câu chuyện thiếu đứng đắng, gợi dục không?
• Tôi có khoe khoang về tội lỗi của tôi không?
• Tôi có phạm tội thiếu trong sạch không?
• Tôi có say sưa rượu chè trai gái không?
• Tôi có dùng các loại thuốc phiện, chất kích thích không?
• Tôi có dính líu tới buôn bán thuốc phiện, chất kích thích không?

7./ Chớ lấy của người.

• Tôi có lấy những gì không phải là của tôi không?
• Tôi có làm thiệt hại tài sản người khác với lỗi của tôi không?
• Tôi có trả lại hay đền bù những thứ lấy trộm, hay mượn của người khác không?
• Tôi có bài bạc quá mức và thiếu cung ứng nhu cầu cho gia đình không?
• Tôi có chia sẻ bố thí cho những người nghèo khổ không?
• Tôi có làm ngơ đui mù trước kẻ ăn xin không?
• Tôi có lường gạt hay gian lận người khác không?
• Tôi có gian lận thuế má, trong buôn bán, với bảo hiểm, cờ bạc, và trường học không?
• Tôi có từ chối hay lơ là trả những món nợ không?
• Tôi có tráo đổi giá tiền trên món hàng không?
• Tôi có lấy tài sản của hãng xưởng mang về nhà xài không?
• Tôi có không đóng góp tiền cho nhà thờ không?
• Tôi có trả lương xứng đáng hay hà hiếp nhân công không?

8./ Chớ làm chứng dối.

• Tôi có nói dối không?
• Tôi có dấu tội không xưng trong tòa giải tội không?
• Tôi có lừa dối, kết án, tán gẫu người khác không?
• Tôi có nói hay loan truyền tin xấu về linh mục, tu sĩ hay người khác không?
• Tôi có nói xấu sau lưng người khác không?
• Tôi có thành thật khi giao dịch với người khác không?
• Tôi có chỉ trích, dèm pha, thiếu bác ái trong tư tưởng, lời nói không?
• Tôi có giữ kín điều bí mật của người khác không?
• Tôi có nguyền rủa hay chúc dữ người khác không?
• Tôi có sung sướng trên sự bất hạnh của người khác không?
• Tôi có từ chối nói chuyện hay hòa giải với người khác không?
• Tôi có ghen tương hay ganh tỵ với người khác không?
• Tôi có làm cớ cho người khác phạm tội không?
• Tôi có tham dự vào việc phạm tội của người khác không?
• Tôi có dạy hay chỉ cho người khác phạm pháp không?
• Tôi có lừa dối, đối xử tệ bạc, lạm dụng người tình của tôi không?

9./ Chớ muốn vợ chồng người.

• Tôi có đồng lòng với những tư tưởng thiếu trong sạch không?
• Tôi có ước muốn tình dục với vợ người ta không?
• Tôi có xúi dục hay là nguyên nhân ly dị của người khác không?
• Tôi có cầu nguyện trong khi vẫn đeo đuổi những tư tưởng xấu hay cám dỗ không?
• Tôi có nuôi dưỡng ước muốn xác thịt với người khác không?
• Tôi có sờ đụng, hôn hít, ôm người khác với tư tưởng xấu không?
• Tôi có làm điều gì khiêu khích người khác có tư tưởng xấu không?
• Tôi có những cái nhìn ham muốn xác thịt không?
• Tôi có thích thú nhìn người khác ăn mặc hở hang không?

10./ Chớ tham của người.

• Tôi có ghanh tỵ với những của cải mà người khác có không?
• Tôi có đau lòng xót ruột vì sự sung túc giàu sang của người khác không?
• Tôi có ước muốn cho người khác hay cho công việc của họ bị sụp đổ không?
• Tôi có gian lận trong việc phân chia tài sản gia đình không?
• Tôi có ham lợi hay ích kỷ không?
• Tôi có tin Thiên Chúa là người chăm sóc mọi nhu cầu thể xác tâm linh của tôi không?
• Tôi có đặt của cải, vật chất là mục đích chính của đời sống tôi không?
• Tôi có cho vay mượn với tiền lời cắt cổ, đánh bạc, số đề không?

Các Điều Răn Của Hội Thánh

– Tôi có cố ý bỏ tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật hay Lễ Trọng mà không có lý do chính đáng không?
– Tôi có xưng tội một năm ít là một lần hay khi tôi mắc tội trọng không?
– Tôi có rước lễ ít nhất một năm một lần trong mùa Phục Sinh không?
– Tôi có tham dự các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các thánh không?
– Tôi có kiêng thịt ngày thứ Sáu và giữ chay ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh theo Luật định không?
– Tôi có giữ chay một giờ trước khi rước lễ không?
– Tôi có đóng góp vật chất cần thiết cho các nhu cầu của Giáo Hội không?

Những Tội Khác:

• Tôi có cố ý che giấu không xưng những tội trọng trong lần xưng tội trước không?
• Tôi có chu toàn bổn phận xưng tội và rước lễ ít là một lần trong Mùa Phục Sinh không?
• Tôi có giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh không?

******************************

Các Kinh Đọc Trước Khi Xưng Tội

Kinh Đức Chúa Thánh Thần:

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Kinh Tin:

Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều khác Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen .

Kinh Cậy:

Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

Kinh Kính Mến:

Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự vì Chúa là đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậỵ Amen.

Kinh Sáng Soi:

Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kinh Cáo Mình:

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen.

Kinh Ăn Năn Tội:

Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

BƯỚC III – XƯNG TỘI & ĐỀN TỘI

*Mẹo nhỏ: Nếu hay quên thì ta hãy ghi các tội ra mẩu giấy nhỏ và số lần để khi xưng tội nhìn vào mà đọc, để tránh khi xưng tội mà tâm trí lo lắng, vội vàng, bồn chồn lại quên mất phải xưng những tội gì. Điều này làm mất thời gian của chúng ta, của các Cha giải tội và của những anh chị em khác (đứng xếp hàng phía sau). Ta cũng nhớ xưng các tội quên sót nữa. Xưng tội xong thì thu gọn giấy bỏ vào thùng rác hay nơi quy định, tránh bỏ giấy lung tung làm ô nhiễm môi trường.

A. TRƯỜNG HỢP XƯNG TỘI LẦN ĐẦU :

Đầu tiên, khi vào toà giải tội, Anh/Chị/Em hãy làm Dấu Thánh Giá và đọc/nói:
“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”.

Nếu là Thiếu nhi, em nói:
“Thưa cha, xin cha ban phép lành giải tội cho con vì con là kẻ có tội. Con xin xưng tội từ khi có trí khôn đến nay.”

Nếu là người Tân Tòng, Anh/Chị/Em hãy nói:
“Thưa cha, con là Tân Tòng. Xin cha ban phép lành giải tội cho con vì con là kẻ có tội. Con đã lãnh nhận bí tích rửa tội được _ (mấy) ngày, tuần, tháng, năm.”

Đoạn, các Anh/chị/Em bắt đầu trình bày các tội đã mắc phải, ví dụ:

Con đã bỏ dự lễ Chúa nhật ước chừng …(bao nhiêu) lần.
Con đã bỏ đọc kinh ước chừng … (bao nhiêu) lần
Con đã chẳng vâng lời, hỗn với cha mẹ ước chừng … (bao nhiêu) lần
Con đã đánh đập anh chị em ước chừng … (bao nhiêu) lần
Con đã giận ghét người ta ước chừng… (bao nhiêu) lần
Con đã nói tục tĩu ước chừng … (bao nhiêu) lần
Con đã nói dối ước chừng … (bao nhiêu) lần

Khi đã xưng hết tội rồi thì nói:
“Thưa cha, con xin xưng các tội con quên sót, xin cha ban phép giải tội cho con.

Đoạn lắng nghe cha giải tội khuyên nhủ và dạy việc đền tội. Khi cha đọc lời xá giải đến câu: “Vậy, cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Thì Anh/Chị/Em hãy làm dấu Thánh giá và thưa: “Amen”.

Linh mục: “Con về bình an.”
Anh/Chị em hãy thưa: “Con tạ ơn Chúa, con cảm ơn cha.”

Sau khi ra khỏi toà giải tội, Anh/Chị/Em hãy nhớ làm việc đền tội ngay và sớm nhất có thể để sửa lại những thiệt hại đã gây ra bởi tội hay để chữa lành vết thương tội lỗi và tập đi đàng nhân đức, cố gắng đừng để tái phạm tội.

***Anh chị em Tân Tòng, xin lưu ý: việc xưng tội lần đầu của Anh/Chị/Em sẽ thực hiện theo cách vừa nêu. Tuy nhiên, từ lần xưng tội thứ 02 trở đi (các lần xưng tội sau), anh chị em sẽ thực hiện theo cách bên dưới (mục B ngay bên dưới đây cũng dành cho các Anh-Chị-Em Công giáo đã xưng tội lần 2 trở đi).

B. TRƯỜNG HỢP XƯNG TỘI CÁC LẦN SAU (sau lần đầu, từ lần 2 trở đi):

Đầu tiên, khi vào toà giải tội, Anh/Chị/Em hãy làm Dấu Thánh Giá và đọc/nói:
“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”.
“Thưa cha, xin cha ban phép lành giải tội cho con, vì con là kẻ có tội. Lần cuối con xưng tội đã được … (mấy tuần, tháng, năm).”

Đoạn, các Anh/chị/Em bắt đầu trình bày các tội đã mắc phải,…

Con đã (mắc tội gì), mấy lần (nếu không nhớ rõ thì ước chừng) … (bao nhiêu) lần.
Và tiếp tục trình bày các tội đã mắc phải.

Sau khi đã xưng hết tội rồi thì nói:

“Thưa cha, con xin xưng các tội con quên sótxin cha ban phép lành giải tội cho con.

Đoạn Anh/Chị /Em hãy lắng nghe cha giải tội khuyên nhủ và dạy việc đền tội. Khi cha đọc lời xá giải đến câu: “Vậy, cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Thì Anh/Chị/Em hãy làm dấu Thánh giá và thưa: “Amen”.

Linh mục: Con về bình an.

Anh/Chị/Em hãy thưa: “Con tạ ơn Chúa, con cảm ơn cha.”

Ra khỏi toà giải tội, Anh/Chị/Em cám ơn Chúa và nhớ làm việc đền tội liền, để sửa lại những thiệt hại đã gây ra bởi tội hay để chữa lành vết thương tội lỗi và tập đi đàng nhân đức, cố gắng đừng để tái phạm tội.


Tổng hợp, biên tập, tham khảo từ sách kinh nhỏ, tòa GM Nha Trang, nội dung điều răn tham khảo từ giesu.net, có bổ sung.
Cập nhật lần cuối: 05/05/2024.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI