Bài 32: Bí tích Giải tội

0
320
Giáo lý dự tòng công giáo. Bài 32: Bí tích Giải tội.

Nghe audio bài giảng đi kèm. Xin lưu ý: nội dung audio không thể thay thế cho những giờ học thực tế của Anh/Chị trên lớp.

BÍ TÍCH GIẢI TỘI

I. LỜI CHÚA

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23)

II. TRÌNH BÀY

Các Bí tích khai tâm ban cho người tín hữu sự sống mới. Tuy nhiên sự sống mới này lại được chứa đựng trong những “bình sành mỏng dòn” là con người yếu đuối (x.2 Cr 4,7). Vì thế, sự sống siêu nhiên thường bị tội lỗi và nết xấu làm tổn thương! Phải làm gì để cứu vãn? Phải lãnh nhận Bí tích Giải tội.

1. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Giải tội
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

Cốt yếu của Bí tích Giải tội là lòng Chúa xót thương được thể hiện qua Hội Thánh và tâm hồn sám hối của tội nhân.

Chính Hội Thánh hoàn chỉnh dần dần hình thức tha tội; song vẫn gồm các động tác sau đây:

– Tội nhân thú tội.
– Linh mục luận định (tha thứ hay cầm buộc).
– Việc đền tội.

2. Ai có quyền tha tội?
Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội (x. Lc 5,21). Nhưng Người đã trao quyền ấy cho các tông đồ và các Đấng kế vị. Vì thế, các Giám mục và các Linh mục nào được phép Đức Giám mục, mới có quyền ban Bí tích Giải tội.

3. Ai cần lãnh nhận Bí tích Giải tội?
Những tín hữu đã phạm tội trọng thì cần lãnh nhận Bí tích Giải tội; nhưng ai chỉ mắc tội nhẹ mà lãnh nhận Bí tích này vì lòng sốt sắng, thì được nhiều ích lợi thiêng liêng.

4. Điều kiện để lãnh nhận Bí tích Giải tội
Muốn lãnh nhận Bí tích Giải tội, phải:

– Xét mình (kiểm điểm đời sống) là nhớ lại những tội đã phạm, số lần và trường hợp gia giảm tội phạm.
– Ăn năn dốc lòng chừa: là thật lòng hối hận, phàn nàn (sám hối) vì đã làm mất lòng Chúa và quyết tâm không dám tái phạm nữa.
– Xưng tội: là thành thật thú nhận tội đã xét thấy với Linh mục giải tội, người đại diện Chúa Kitô.
– Đền tội: là làm những việc Linh mục giải tội dạy làm để tạ lỗi cùng Chúa và đền bù những thiệt hại, nếu có.

III. BÀI HỌC

96. Bí tích Giải tội là gì?
Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để tha tội ta phạm từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội về sau cùng giao hòa ta với Chúa và Hội Thánh.

97. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Giải tội khi nào?
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. (Ga 20,22-23)

98. Ai có quyền tha tội?
Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, nhưng Người đã trao quyền ấy cho các tông đồ và các Đấng kế vị. Vì thế, các Giám mục và Linh mục nào được phép mới có quyền ban Bí tích Giải tội.

99. Ai cần lãnh nhận Bí tích Giải tội?
Những tín hữu đã phạm tội trọng thì cần phải lãnh nhận Bí tích Giải tội, nhưng ai chỉ mắc tội nhẹ mà lãnh nhận Bí tích này thì được nhiều ích lợi thiêng liêng.

100. Muốn lãnh nhận Bí tích Giải tội thì phải làm gì?
Phải làm 4 việc này:
– Xét mình.
– Ăn năn dốc lòng chừa.
Xưng tội.
– Đền tội.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Trước mặt Thiên Chúa là Đấng chí thánh, ai là người vô tội? Vì thế, tôi khiêm tốn thú tội để được Chúa thứ tha.

V. CẦU NGUYỆN
(Sốt sắng đọc kinh Cáo mình).


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI