Bài 31: Thánh Lễ

0
488
Giáo lý dự tòng công giáo. Bài 31: Thánh Lễ.

Nghe audio bài giảng đi kèm. Xin lưu ý: nội dung audio không thể thay thế cho những giờ học thực tế của Anh/Chị trên lớp.

THÁNH LỄ

I. LỜI CHÚA

“Đây là điều Chúa Giêsu đã dạy tôi, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy Bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 12,23-24)

II. TRÌNH BÀY

Trong bữa tiệc sau hết, Chúa Giêsu đã thiết lập Hy Tế tạ ơn bằng Mình và Máu Người, nhờ đó, Hy Tế Núi Sọ được kéo dài qua các thời đại, và cũng nhờ đó Chúa Giêsu ủy thác cho Hội Thánh nhiệm vụ tưởng nhớ cái chết và sống lại của Người.

Ta gọi Hy Tế tạ ơn bằng Mình và Máu Chúa Giêsu là Thánh Lễ. Đây là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, “trong đó, chúng ta rước Chúa Giêsu, sẽ được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cuộc sống tương lai hạnh phúc vĩnh hằng” (PV 47).

1. Thánh Lễ là gì?
Thánh Lễ là Hy Tế Chúa Giêsu nhờ tay Linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Đức Chúa Cha như xưa chính Người đã dâng mình trên thánh giá.

2. Thánh Lễ gồm mấy phần?
Không kể nghi thức nhập lễ và kết lễ, Thánh Lễ gồm hai phần chính:

a. Phần Phụng vụ Lời Chúa: gồm lời cầu nguyện, bài đọc Thánh Kinh, đáp ca, bài giảng (và lời nguyện giáo dân).

b. Phần Phụng vụ Thánh Thể: gồm việc chuẩn bị lễ vật, kinh nguyện Thánh Thể và hiệp lễ.

Hai phần liên kết chặt chẽ với nhau, vì Thánh Lễ là một hoạt động có tổ chức, theo một hướng đi duy nhất: lắng nghe Lời Chúa (trong phần phụng vụ Lời Chúa) để được dạy dỗ và được hướng đến Thánh Thể (trong phần phụng vụ Thánh Thể). Vì thế Hội Thánh hằng thiết tha kêu mời người tín hữu tham dự trọn vẹn cả hai phần của Thánh Lễ.

3. Ai có quyền cử hành Thánh Lễ?
Chính Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ và những người có chức Linh mục được cử hành Thánh Lễ: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

4. Phải tham dự Thánh Lễ thế nào?
Vì Thánh Lễ là hành động phụng vụ cao cả nhất của toàn thể dân thánh dâng lên Chúa để ngợi khen, cảm tạ, xin ơn tha thứ và cầu khẩn mọi ơn lành hồn xác cho mình, cho Hội Thánh và toàn thế giới, cho nên:

– Người tín hữu phải hợp lòng hợp ý với chủ tế và cộng đoàn mà dâng Thánh Lễ, tham dự cách ý thức, thành kính và linh động.

– Người tín hữu nên tham dự Thánh Lễ cách hoàn hảo bằng việc hiệp lễ (x. PV 55). Chính việc hiệp lễ làm cho ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và hợp nhất với nhau, xóa bỏ các tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa, thêm sức cho ta chống trả các chước cám dỗ và sửa tính hư nết xấu, đảm bảo cho ta được sống đời đời. Thánh Lễ Chúa nhật có tầm quan trọng đặc biệt, không những vì tính cộng đoàn của ngày lễ (mỗi tuần một lần vào ngày Chúa nhật, các tín hữu của cộng đoàn giáo xứ chính thức tụ họp nhau để mừng mầu nhiệm Phục sinh) mà còn vì đề tài các bài đọc sách thánh được chọn lựa để làm thành những ý lực chủ yếu hướng dẫn và thúc đẩy người tín hữu sống đạo trót cả tuần.

5. Ta phải sống Thánh Lễ thế nào?
Tham dự Thánh Lễ là tiếp nhận nguồn sinh lực siêu nhiên. Vì vậy cần để nguồn sinh lực ấy tác động suốt cả ngày: cảm tạ Chúa vì mọi hồng ân lãnh nhận, sửa chữa nết xấu, biết phục vụ mọi người trong tinh thần yêu thương chân thành.

Hơn nữa, người tín hữu còn biết liên kết với Chúa Giêsu mà hiến dâng lên Chúa Cha mọi vui buồn sướng khổ cũng như mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

III. BÀI HỌC

93. Thánh Lễ là gì?
Thánh Lễ là Hy Tế Chúa Giêsu nhờ tay Linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Chúa Cha như xưa chính Người đã dâng mình trên thánh giá.

94. Thánh Lễ có mấy phần?
Thánh Lễ có hai phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

95. Phải tham dự Thánh Lễ thế nào?
Phải hợp lòng hợp ý với chủ tế và cộng đoàn để dâng lễ, tham dự cách ý thức, thành kính và linh động, nhất là dọn lòng hiệp lễ.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, tôi lắng nghe Lời Chúa và hiệp dâng đời sống tôi lên Thiên Chúa.

V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo. Xin cho con biết yêu mến và quí trọng Thánh Lễ.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI