Phụ trương 2: NGHI THỨC GIA TIÊN
Nghi thức Hôn phối tại nhà thờ luôn được các đôi bạn Công giáo đặt lên hàng đầu với rất nhiều tâm tình và chuẩn bị. Còn một nghi thức khác có tính dân tộc cũng nên được lưu ý đặc biệt, đó là lễ Gia Tiên.
Gọi là lễ Gia Tiên cho vắn gọn, chứ thực ra, hiện nay nơi nhiều gia đình Công giáo, lễ Gia Tiên thường gồm 3 tiết mục: cảm tạ Thiên Chúa – Kính nhớ Tổ tiên – Chúc mừng cha mẹ, Ông bà còn sống.
Dưới đây là vài nét về ý nghĩa tục lệ xưa, về thích ứng hiện nay nơi các gia đình Công giáo; cuối cùng là một số hướng dẫn cụ thể và một mẫu nghi thức đề nghị:
I. Ý NGHĨA CỦA TỤC LỆ NGÀY XƯA.
1. Lễ Gia tiên:
Gia tiên là tổ tiên gia đình. Lễ Gia tiên là lễ lạy Bàn thờ, ra mắt ông bà trong ngày cưới. Người Việt nam tin rằng : Dù có thác đi, người quá cố vẫn hiện diện trong gia đình, sống cùng con cái cháu chắt. Cho nên trong ngày cưới, cô dâu, chú rể được hướng dẫn tới bàn thờ Tổ tiên (thường được trưng bày di ảnh, hoa nến, gia phả…) lễ 4 lễ rưỡi, để ra mắt các anh linh gia tộc, rồi cắm hương vào lư đồng.
Lễ Gia tiên được tổ chức cả hai bên Nhà Gái lẫn Nhà Trai.
2. Lễ mừng cha mẹ :
Sau lễ Gia tiên, cô Dâu chú Rể phải lễ mừng cha mẹ (vợ) và các bậc trên như ông bà cụ kỵ nếu các vị này còn sống. Chú rể tạ ơn cha mẹ vợ để tạ ơn sinh thành dưỡng dục vợ mình; còn cô Dâu lễ để tạ ơn sinh thành dưỡng dục và gầy dựng cho mình.
Dịp này Cha mẹ vợ thường cho tiền hay vàng bạc. Cũng có lễ mừng Cha mẹ chồng tại nhà Trai.
3. Lễ tơ hồng
Ông bà xưa tin rằng: Nguyệt-Lão là vị Thần Chủ về hôn sự. Để tạ ơn vị thần này đã tác hợp nên cuộc nhân duyên, người ta tổ chức lễ tơ hồng, Nguyệt-Lão dùng sợi tơ hồng (xích thằng) xe cho đôi bạn nên duyên. Bàn thờ tơ hồng lập giữa sân với đầy đủ hương đăng, hoa quả lễ vật. Cô Dâu chú Rể qùy trước Bàn Thờ để một vị cao niên đọc văn tế tơ hồng. Nghe xong cô Dâu chú Rể mỗi người 4 lễ rưỡi.
Sau đó uống chung một chén rượu, ăn một miếng trầu têm chung một quả cau và một lá trầu không, để chỉ từ nay hai người nên một, sẽ say nhau tới đầu bạc răng long.
Trong lúc uống rượu ăn trầu thường có đốt pháo.
II. THÍCH ỨNG NƠI CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO.
1. Lễ Gia Tiên.
Trong nhiều thế kỷ, người Công giáo do dự bày tỏ chữ Hiếu đối với người quá cố theo kiểu “phục lạy”, vì cử chỉ ấy có thể hiểu lầm là việc thờ phượng, mà việc thờ phượng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt nam ngày 14.11.1964 đã xác nhận xá lạy, thắp nhang… trước bàn thờ tổ tiên (và trước linh cữu) không phải là hành động thờ phượng, mà chỉ tỏ lòng tôn kính.
Từ đó, lễ Gia Tiên được dần dần tổ chức trong các gia đình Công giáo. Bàn thờ tổ tiên thường được đặt dưới bàn thờ Chúa (hoặc một nơi khác xứng đáng trong nhà) có di ảnh, hoa nến, trái trăng, để tỏ lòng thành kính biết ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây (chứ không phải để tổ tiên dùng hương vị). Đặt cuốn gia phả để con cháu biết cội nguồn, biết họ hàng để chu toàn hiếu đễ.
Cô Dâu chú Rể đến lễ Gia tiên là để tỏ lòng hiếu, thay vì 4 lễ rưỡi (4 phục 1 lạy) theo phong tục, ngày nay chỉ vái 3 cái.
2. Lễ mừng cha mẹ.
Ngoài ý nghĩa xã hội như đã trình bày, người Công giáo muốn cho lễ mừng Cha mẹ đượm tính Công giáo nữa.
Giới răn 4 dạy thảo kính cha mẹ. Chính Chúa Kitô đã nhắc lại lời Thiên Chúa “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, sẽ bị xử tử… Ai nói với cha mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng lên cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thảo kính cha mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa” (Mt 15, 1-6).
Thì đây là cơ hội quí báu để con cái tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ: Chín tháng cưu mang, 3 năm bú mớm, bao năm trường nuôi nấng, dạy dỗ, nay con cái đã bước vào tuổi trưởng thành, tới ngày lập gia thất. Công lao ấy là của cha mẹ (Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra): thành công ấy là do cha mẹ.
Cho nên hôm nay trong bầu không khí trang trọng, trước mặt những người thân yêu và khách quí, con cái muốn tỏ bày lòng biết ơn đối với bậc sinh thành thì đó là phải đạo. Ít cô Dâu chú Rể nào giữ lòng mình khỏi xúc động khi cử hành nghi thức này.
3. Tạ ơn Thiên Chúa.
a. Người Công giáo tin rằng : Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự, chính Người dựng nên vũ trụ và loài người, như kinh tiền tụng lễ mùng 2 tết :
“Khi ngắm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự có cội rễ căn nguyên : chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con !”
b. Người Công giáo cũng tin rằng: Thiên Chúa điều khiển mọi sự, đặc biệt là loài người. Chuyện nhân duyên cũng do Chúa: Kinh tiền tụng tiếp tục: “Cha đã ban sự sống cho Ông bà, Cha mẹ, tổ tiên chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng phúc ấm mà nhận biết, tôn thờ, phụng sự Cha”.
Cho nên đôi bạn phải dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Niềm tin ấy làm phát sinh “Nghi thức tạ ơn Thiên Chúa” trong ngày cưới. Nghi thức này thay thế lễ Tơ Hồng dân gian.
Hơn nữa, vì lòng kính trọng, vì niềm tin Thiên Chúa là cội nguồn mọi tình phụ tử, người Công giáo đặt nghi thức này lên trước hết.
Do đó thứ tự phổ biến hiện nay (ở nhà Gái và nhà Trai) là như sau:
– Nghi thức Tạ ơn Thiên Chúa.
– Kính nhớ Tổ tiên.
– Lễ mừng cha mẹ.
III. VÀI HƯỚNG DẪN.
1. Do ý nghĩa tôn giáo và xã hội cao đẹp của nghi thức, các gia đình Công giáo nên tổ chức lễ Gia Tiên dịp Hôn phối.
2. Tuy nhiên, nên vắn gọn, vì lúc ấy khách được mời rất đông, lại tiệc cưới rườm rà sau đó, nếu kéo dài sẽ gây bất tiện.
3. Vì tính cách trang trọng của buổi lễ, hãy chọn người hướng dẫn có tư cách và năng động. Năng động, để tạo bầu khí thân mật ngay từ đầu, để biến báo những “phút chết”, những “ngập ngừng” của cô Dâu chú Rể. Có tư cách, để buổi lễ được trang trọng và đạt ý nghĩa trọn vẹn.
4. Người hướng dẫn cần hiểu rõ ý nghĩa các nghi thức ; cần trao đổi trước với đôi bên để sắp đặt chương trình hợp lý; cần nhận diện những gương mặt quan trọng của buổi lễ, cần đưa đẩy câu chuyện cách tự nhiên và ý nhị.
IV. ĐỀ NGHỊ MỘT MẪU NGHI THỨC TẠI GIA ĐÌNH.
Nghi thức Nghinh hôn (lễ cưới) được cử hành hết sức mềm dẻo: có nơi tổ chức, có nơi không, có nơi tổ chức cả nhà Trai lẫn nhà Gái, có nơi chỉ tổ chức ở một nhà.
Đề nghị mẫu này, chúng tôi không có ý mong các gia đình cứ phải theo như vậy; mà có ý để các gia đình hiểu được ý nghĩa các nghi thức, rồi nếu tổ chức, cố gắng đạt được các ý nghĩa ấy.
LỄ NGHINH HÔN thường gồm 3 phần theo thứ tự sau đây:
a. Nhà Trai tới Nhà Gái xin Dâu.
b. Rước Dâu từ Nhà Gái về Nhà Trai.
c. Tiệc mừng.
A. TẠI NHÀ GÁI.
Mọi sự được xếp đặt chu đáo. Vào giờ ấn định, Đại diện nhà Trai đến Nhà Gái và được đón vào nhà. Người hướng dẫn nhà Gái thông báo chương trình, gồm những điểm sau :
1. Nhà Trai ngỏ lời và giới thiệu lễ vật.
2. Nhà Gái đáp lời.
3. Lễ Gia tiên.
+ Tạ ơn Thiên Chúa.
+ Kính nhớ Tổ Tiên,
+ Mừng cha mẹ vợ.
1. Đại diện nhà Trai có thể ngỏ lời như sau :
Kính thưa Ông bà và quí họ nhà Gái. Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự. Chính Người đã sắp đặt cho hai gia đình chúng ta gần gũi nhau. Lại nhờ sự lo liệu chu đáo của Ông Bà, quí họ, chiều qua (sáng nay) hai cháu đã thành hôn trước Bàn Thờ Chúa.
Hôm nay theo truyền thống cha ông để lại, chúng tôi có chút lễ vật đưa đến, bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với ông bà và họ hàng, và trên nữa là bậc tổ tiên trong quí họ.
(Tùy nghi giới thiệu lễ vật).
2. Đại diện nhà gái đáp từ
“Chúng tôi thành thật cảm ơn quí vị đã có lòng thương đến cháu gái chúng tôi, hôm nay lại còn đưa cả sính lễ. Vậy xin được đem lễ vật vào và xin cho hai cháu bước ra làm lễ Gia Tiên”.
(Cô Dâu chú Rể bước ra nếu chưa đứng ở đó).
3. Lễ Gia Tiên.
a. Tạ ơn Thiên Chúa.
Hướng dẫn: Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Nhờ Người mà chúng ta có cha có mẹ, Ông bà, Tổ tiên. Vậy giờ đây, kính xin mọi người đứng lên, hợp ý với hai cháu dâng lên Thiên Chúa lòng cảm tạ tri ân trong giờ phút long trọng này.
Hai cháu hãy tiến đến trước Bàn thờ Thiên Chúa, thắp hương và dâng lời cảm tạ.
(Làm dấu Thánh giá – Hát Kinh Chúa Thánh Thần – Lạy Cha. Hết kinh Lạy Cha, cô Dâu chú Rể vái hương 3 lần rồi cắm vào lư đồng).
b. Kính nhớ Tổ tiên :
Hướng dẫn: Nghi lễ tạ ơn Thiên Chúa đã xong (xin mời mọi người an tọa). Bây giờ là nghi lễ kính nhớ Tổ tiên.
Sách Huấn ca (Hc 44,10-45) dạy rằng: “Hãy ca tụng bậc cha ông đã sống qua các thời đại, công đức các ngài không chìm vào dĩ vãng, gia tài của các ngài là lũ cháu đàn con”.
Nhờ ân trạch các ngài mà hai cháu được xe duyên kết ngãi. Vậy hai cháu hãy thành kính dâng lên tổ tiên nén hương trầm và 3 lễ xá, bày tỏ lòng biết ơn theo truyền thống tốt đep của dân tộc mình.
(cô Dâu chú Rể lễ rồi cắm nhang).
c. Mừng cha mẹ.
Hướng dẫn : Gần gũi yêu thương và hao mòn tâm lực với các cháu nhất, là cha mẹ các cháu. Chính nhờ cha mẹ sinh dưỡng, sắp đặt mà các cháu có ngày vui nhất đời hôm nay. Và đó là thành công to lớn đáng chúc mừng. Vậy các cháu hãy đến bày tỏ lòng biết ơn và chúc mừng sự thành công của cha mẹ các cháu.
(Cô Dâu chú Rể đến trước mặt cha mẹ. Cô Dâu nói ít lời cảm ơn cha mẹ, nếu không, hướng dẫn tiếp)
Hai cháu đã đến trước mặt cha mẹ để cảm tạ và chúc mừng, nhưng vì xúc động quá, các cháu không nói lên lời… vậy xin cha mẹ miễn thứ cho các cháu và xin cho các cháu vài lời khuyên làm hành trang về nhà chồng.
(cha mẹ khuyên bảo mấy lời, cho quà…)
4. Nhà Trai xin Dâu.
a. Đại diện Nhà Trai:
Các bậc Phụ Mẫu có thể cho các cháu nhiều lời khuyên bổ ích nữa, song đã tới giờ lên đường. Vả lại, bên Nhà Trai chúng tôi, khách đã đến đông đủ và đang chờ mong các cháu. Vậy chúng tôi xin thành thật cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của quí gia đình và xin cho phép chúng tôi được đón Dâu.
b. Đại diện nhà Gái:
Theo lời yêu cầu của Nhà Trai, chúng tôi không dám giữ cháu lâu hơn, chúng tôi xin cám ơn quí họ nhà Trai đã có những tâm tình rất nồng hậu đối với nhà Gái chúng tôi; cũng xin quí vị bỏ qua những thiếu sót của gia đình chúng tôi hôm nay. Hai cháu hãy chuẩn bị ra xe. Chúng tôi cũng xin có một số người tháp tùng quí vị, đưa cháu về nhà chồng. Kính chúc quí vị và gia đình vạn sự như ý.
B. TẠI NHÀ TRAI.
Các nghi thức tại nhà Trai đại khái cũng như ở nhà Gái, tuy nhiên chúng tôi có thể lưu ý đến mấy chỗ sau đây :
1. Phần tạ ơn Thiên Chúa:
Nếu có vài phút đọc Lời Chúa, có thể đọc những đoạn sau đây :
+ Rm 8, 31-39 : Trung thành với tình yêu Chúa.
+ Ep 6, 1-4: Con cái phải thảo kính cha mẹ.
+ Cl 3, 12-17 : Các đức tính gia đình.
+ Tb 7, 9-17: Thiên Chúa điều khiển việc kết hôn.
+ Tv 32, 2-9: Chúa bao bọc kẻ kính sợ Người.
2. Phần mừng cha mẹ chồng
Vì con cái lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng, người hướng dẫn phải giới thiệu thế nào để lột được các đức tính hiếu thảo, phục vụ và hòa thuận trong gia đình.
3. Cuối bữa tiệc, nhà Gái có thể cáo biệt như sau
Kính thưa Ông bà và quí Họ Nhà Trai.
Thật là cuộc lễ tốt đẹp, làm hài lòng mọi người, chúng tôi hết sức vui mừng và an tâm vì con cái chúng tôi gửi thân nơi gia đình nề nếp và đạo hạnh này. Trước khi ra về, xin phép cho chúng tôi có đôi lời với các cháu :
Hai cháu thân mến, các cháu đã thực sự bước vào cuộc sống mới, cuộc sống gia đình với nhiều an ủi, nhưng cũng có nhiều thử thách. Các cháu hãy ghi nhớ và thực hành những lời khuyên tốt đẹp của cha mẹ đôi bên mà làm cho gia đình hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau để tình yêu ngày thêm khắng khít hơn. Hãy hiếu thảo để đền đáp công ơn cha mẹ. Biết sống hòa thuận với anh chị em trong gia đình… Sự có mặt đông đảo của hai gia đình và quí khách nói lên lòng thương mến các cháu ; các cháu phải ăn ở làm sao để không phụ lòng tốt ấy.
Riêng cháu… (gái), từ nay cháu thuộc hẳn về nhà chồng. Cháu hãy hết sức sống cho nhà chồng: ngoan ngoãn, vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ chồng như cháu đã vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ cháu. Biết tín nhiệm người chồng của cháu. Hãy quên mình phục vụ mọi người. Sớm tối biết cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, đổ phúc lành tràn đầy cho gia đình cháu.
Một lần nữa, chúng tôi xin cảm tạ quí Gia đình. Xin trao gửi cháu gái chúng tôi cho ông bà. Xin Chúa chúc lành cho hai gia đình chúng ta.
Xin tạ từ.
4. Nhà Trai đáp lời
Kính thưa quí Vị Đại diện nhà Gái :
Phía phải cảm ơn, chính là nhà Trai chúng tôi. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn quí họ nhà Gái đã đến cùng chung vui với chúng tôi và tạo niềm phấn khởi cho hai cháu. Chúng tôi xin hứa yêu thương săn sóc cháu… như chính con đẻ của chúng tôi. Xin Chúa chúc lành cho tình thân giữa hai gia đình chúng ta. Cũng xin quí Vị bỏ qua những thiếu sót trong buổi lễ hôm nay.
Kính chúc quí vị ra về bình an.