Bài 3: Mục đích Hôn nhân Công giáo

0
1898
Giáo lý hôn nhân công giáo, bài 3: Mục đích Hôn nhân Công giáo.

MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

 

LỜI HƯỚNG DẪN

“Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của Hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán :“Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Người là Đấng :“… từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ” (Mt 19,4) ; chính Thiên Chúa muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công cuộc tạo dựng của Người. Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói :“Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản” (St 1,28) (MV 50).

MỤC ĐÍCH CHÍNH YẾU

Để biết mục đích Hôn nhân Công giáo là gì, chúng ta phải tìm trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, có hai đoạn văn nói về Thiên Chúa tạo dựng loài người: Sáng thế 1 và Sáng thế 2.

  • Sáng thế 1: Bằng những dòng đơn giản song trang trọng, tác giả đoạn văn cho biết : Thiên Chúa dựng nên loài người một trật có nam có nữ theo hình ảnh Người. Thiên Chúa cho họ quyền cai quản vạn vật và truyền cho họ hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất (x. St 1,26-30).
  • Sáng thế 2: Với lối văn sống động, giàu hình ảnh, tác giả đoạn văn cho biết : Sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa mới tác tạo chim muông cầm thú, dẫn chúng đến cho Adam. Adam không tìm thấy trong muông chim cầm thú “một sự trợ giúp tương hợp” (St 2, 20). Bấy giờ Thiên Chúa mới tạo nên người nữ, cho làm bạn với Adam (x. St 2, 18-23).

Như vậy căn cứ vào Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng : Ngay từ đầu, hai khía cạnh không thể tách rời của Hôn nhân được Thiên Chúa ấn định : vợ chồng trọn đời yêu thương nhau (x. St 2, 24) và sinh sản đầy mặt đất (x. St 1, 28). Và đó là hai mục đích của Hôn nhân.

Vấn đề này, HĐGMVN đã giải thích :“Ngày nay loài người đã đầy mặt đất, cần phải tính đến việc nuôi sống và giáo dục những mầm non của loài người. Đàng khác, mệnh lệnh sinh sản cho đầy mặt đất gắn liền với mệnh lệnh làm chủ mặt đất. Muốn thế thì đứa con sinh ra phải được nuôi nấng và giáo dục cho nên người. Điều này đưa chúng ta vào những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng hiện nay là vấn đề sinh sản có trách nhiệm và vấn đề giáo dục con cái” (Thư Mục vụ HĐGMVN tháng 10/1992 – số 11).

I. TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG NHAU

1. Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Câu Kinh Thánh “Adam không tìm được sự trợ giúp tương hợp” diễn tả “cái thiếu, cái cần” của Adam. Dù Adam có tất cả vạn vật chung quanh, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có “cái gì” để lấp đầy sự trống vắng đó. “Cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa đã ban cho Adam, đó là Evà. Khi Evà được đưa tới, Adam thốt lên sung sướng: “Này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ và cả hai sẽ nên một xương một thịt” (St 2, 23). Lời nói ấy biểu lộ sự hài lòng của Adam. Adam đã tìm được sự “trợ giúp tương hợp”, Adam đã cảm thấy đầy đủ.

Như thế hai người nam nữ đến với nhau, là để lấp đầy cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, để tương trợ trong tình yêu.

2. Trong cuộc sống: Không những nâng đỡ nhau trong tình yêu, đôi bạn còn phải nâng đỡ nhau trong cuộc sống nữa. Nam và nữ đôi bên có sở trường riêng nhưng người nào cũng có cái yếu kém, cái hạn hẹp của mình. Mỗi người phải biết mình cần tới người kia. Cho dù tài giỏi, trong sinh hoạt gia đình, nếu không có sự giúp đỡ của người kia, mình khó thành công. Có nhìn nhận giá trị của nhau như thế, đôi bạn mới quí trọng nhau, mới yêu thương nhau, mới nói được “mình với ta tuy hai mà một”.

3. “Tương trợ trong tình yêu và trong cuộc sống” còn là để phục vụ sự sống mới. Như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh, không ngừng phát sinh hoa trái là các Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội và ân sủng các Bí tích khác; Cũng vậy, vợ chồng yêu thương kết hợp với nhau trong đời sống Hôn nhân sẽ nhằm tới việc tác sinh mầm sống mới và giáo dục chúng nên người và nên con Chúa. Đó là Ơn gọi rất cao quí của cha mẹ Công giáo. Công Đồng dạy:“Con cái là ân huệ cao quí của Hôn nhân, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ” (MV. 50).

4. Mối tương giao tâm lý : Để đạt mục đích tương trợ tình yêu và trong cuộc sống, đôi bạn cần hiểu biết những khác biệt tâm lý của nhau. Người nam và người nữ có những nét tâm lý khác nhau. Những nét khác nhau ấy không loại trừ nhau, mà bổ túc cho nhau. Sau đây là năm định luật tâm lý :

a. Luật ưu tiên.

Nơi người nam: Thể xác (sắc diện) chiếm địa vị ưu tiên.
Nơi người nữ:Trái tim (tình yêu) chiếm ưu thế.

Giải thích:
– Người nam: Khi nghĩ về người nữ, thường hình dung một thân hình thẩm mỹ. Anh chú trọng trước tiên tới cái đẹp thân xác và coi đó như cái chính yếu. Còn cái đẹp tâm hồn của chị, anh nghĩ tới sau đó.

– Người nữ: Khi nghĩ tới người nam, chị thường tưởng đến trước hết những đức tính của anh, nào là anh đứng đắn, anh đơn giản, anh hiền lành, anh nhiều nghị lực… Cũng còn có nghĩa là: người nữ nhìn mọi sự, phán đoán mọi sự dưới lăng kính tình cảm của mình hơn là dưới ánh sáng lý trí.

Áp dụng cuộc sống:
– Người nam hãy nhớ bạn mình cần đến tình yêu chân thành, sâu sắc, tế nhị. Hãy săn sóc tình cảm của vợ bằng những lời âu yếm, những cử chỉ thân thương…
– Người nữ đừng quên khía cạnh sắc diện là yếu tố ràng buộc chồng mình. Hãy gìn giữ dáng nét của mình vì chồng. Hãy biết săn sóc nhu cầu vật chất của chồng…

b. Luật phân cách.

Nơi người nam: Trái tim nhiều ngăn.
Nơi người nữ: Trái tim một ngăn.

Giải thích:
– Quan niệm sống của người nam: Ngoài tình yêu, người nam còn nghĩ đến nhiều chuyện: công danh, nghề nghiệp, giải trí, bè bạn, (người ta gọi là trái tim nhiều ngăn: ngăn cho tình yêu, ngăn cho công việc, ngăn cho giải trí…). Đôi khi các ngăn này như biệt lập nhau, khiến chị không sao hiểu nổi anh, chẳng hạn khi anh chăm chú vào công việc, xem ra anh quên tất cả, quên cả chị… điều này làm chị khó chịu.

– Quan niệm sống của người nữ : một trái tim, một tình yêu: yêu chồng, yêu con. Mối tình lớn lao ấy xâm chiếm hoàn toàn con người chị. Trái tim chị chỉ chứa đựng người yêu, mọi cái khác, công danh, giải trí… như bị đẩy ra ven bờ trái tim (người ta gọi là một ngăn).

Áp dụng cuộc sống:
Đôi bạn phải biết trao đổi với nhau những vấn đề căn bản của cuộc sống chung: Như nhân cách, tổ chức gia đình, công ăn việc làm, giao tế xã hội, sinh sản giáo dục con cái, đời sống tôn giáo, những giải trí… Biết những điều ấy:

  • Để người vợ khỏi “tủi” khi thấy chồng như chỉ chú ý vào công việc mà “bỏ rơi” chị.
  • Để người chồng biết chăm sóc đời sống tình cảm của vợ hơn.
  • Để mỗi bên biết hy sinh sở thích vì lợi ích gia đình, nhưng không phải vì thế mà đánh mất đi sắc thái riêng tư. Mỗi người hãy giữ bản lãnh của mình mà làm phong phú đời sống chung.

c. Luật chi tiết.

Người nam: Thích cái tổng quát, đại sự, dễ bỏ qua các chi tiết vụn vặt.
Người nữ: Để mắt tới từng khía cạnh nhỏ bé, nhiều khi vì đó không nhìn hết cả vấn đề.

Giải thích:
Người nam thường nhìn tổng quát và tiến thẳng tới vấn đề chính yếu. Anh phác họa rõ ràng chương trình hành động, lý luận vững chắc.
Còn chị thì lưu tâm tới những cái nhỏ bé, chi tiết, một sự kiện nhỏ cũng có thể trở thành quan trọng, che lấp cái chính.

Áp dụng vào cuộc sống:
Sự khác biệt tâm lý này thường là nguyên do cho nhiều vui buồn sướng khổ trong đời sống đôi bạn.
Do đó, người chồng không nên quên các chi tiết có thể mang hạnh phúc tới cho vợ mình : một cái nhìn khích lệ, một lời khen, một quà tặng nhỏ, một cử chỉ yêu thương…
Ngược lại, người vợ cũng đừng quá tỉ mỉ với chồng, dặn dò từng chi tiết, lặp đi lặp lại những lỗi lầm nhỏ nhặt, chị nên bớt đi những cái vụn vặt chỉ làm chồng bực nhọc, khó chịu.

d. Luật bất đồng cảm.

Người nam: Phản ứng bồng bột, sôi nổi, mau bốc, nhưng cũng mau tàn.
Người nữ: Phản ứng chậm chạp, êm đềm, chậm bốc, chậm tàn.

Giải thích:
Trước một sự cố, người nam thường phản ứng tức khắc mãnh liệt, nhưng cũng dễ nguội, dễ hạ. Chính vì thế ta thường thấy “tiếng sét ái tình” xảy ra cho nhiều thanh niên hơn là cho thanh nữ.
Người nữ thì chậm chạp hơn, song khi phát lộ thì gia tăng rất nhiều, và phải nhiều thời gian mới trở lại bình thường.

Áp dụng vào cuộc sống
Biết rằng đàn ông dễ nổi nóng, dễ phản ứng tức thời, mạnh bạo, chị sẽ tránh những lời nói hoặc cử chỉ như đổ dầu vào lửa, biết dùng sự khả ái trời cho để làm dịu tình thế.
Còn anh, nên tỉnh táo trước dáng vẻ bình thản của chị kẻo có lúc anh không ngăn được những phản ứng quyết liệt như vũ bão của chị.

đ. Định luật thính giác

Người nam: trầm ngâm.
Người nữ:thích nghe lời âu yếm.

Giải thích:
Người nữ thường thích nghe những lời âu yếm, tán tỉnh. Các lời người ta nói thường làm người nữ chú ý hơn là việc người ta làm.
Người nam lại thích trầm ngâm, ít nói nhất là khi ở nhà.

Áp dụng vào cuộc sống:

– Người chồng phải tập nói, năng nhắc lại những kỷ niệm êm đềm năm xưa, nói với giọng nhẹ nhàng, âu yếm, kính trọng. Người nữ thích sống lại dĩ vãng đó. Cần có đối thoại giữa vợ chồng. Yêu là nói, là nghe, là cởi mở tâm hồn mình và đón nhận người khác.
– Còn chị, hãy biết tôn trọng chồng khi thấy anh đang bận tâm một chuyện nào.

II.SINH SẢN

Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản.

1. Nền tảng việc sinh sản.

Yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.

a. Do lệnh truyền của Thiên Chúa.

Chính Thiên Chúa ngay từ đầu dựng nên người nam và người nữ, đã muốn loài người nối tiếp nhau có mặt đông đảo trên địa cầu này. Thiên Chúa ban cho loài người vinh dự được cộng tác với Người trong việc tạo dựng.

b. Do mục đích nội tại của phái tính.

Tự bản tính, nam nữ thu hút nhau. Sức hút ấy thể hiện trọn vẹn khi đôi bạn hiến dâng tâm hồn và thể xác cho nhau; kết quả việc tự hiến ấy, vừa là tạo hạnh phúc cho nhau, vừa là sinh ra những con người mới.

2. Giá trị việc sinh sản.

a. Nơi loài người, sinh sản là một hành vi nhân linh cao đẹp (lý trí + tự do + sinh lý), chứ không phải chỉ là một tác động bản năng thuần túy sinh lý như nơi các vật hạ đẳng (GĐ.11). Chính hành vi nhân linh cao đẹp này nâng con người lên địa vị trổi vượt muôn loài.

b. Là sự cộng tác tuyệt hảo với Thiên Chúa, con người là linh hồn và xác thể. Khi đôi bạn kết hợp tạo nên một bào thai (phần thể chất) thì Thiên Chúa ban cho bào thai ấy một linh hồn (phần thiêng liêng). Sự kết hợp hồn-xác ấy làm thành một con người mới.

Vậy “con người mới ấy” vừa là kết quả công việc Thiên Chúa, vừa là kết quả công việc loài người. Đó chính là hồng ân tạo dựng tuyệt vời mà Thiên Chúa chia sẻ cho loài người.

3. Mục đích việc sinh sản.

a. Để cộng đoàn nhân loại ngày càng đông đảo nhờ những con người mới được sinh ra và được giáo dục.

b. Để loài người nối tiếp nhau, quản trị vạn vật theo ý định của Thiên Chúa, “Ta hãy tạo dựng loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (Kn 1,26).

c. Để phát triển Hội thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô : “Nhờ đời sống lứa đôi”, Người (TC) làm cho gia đình của Người ngày càng phong phú hơn (MV. 50).

d. Để cha mẹ sống mãi nơi con cái.
Thông điệp “Sự sống con người”, số 9 viết : “Tình yêu vợ chồng chính là tình yêu phong phú, không hề tiêu hao mất mát, trong việc kết hợp giữa vợ chồng. Trái lại, đủ sức tiếp tục tạo thành những đời sống mới”.

BÀI HỌC

09. Mục đích Hôn nhân Công giáo là gì?
Mục đích Hôn nhân Công giáo là vợ chồng TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG NHAU, SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI CÙNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH.

10. Làm thế nào để đôi bạn sống trọn đời yêu thương nhau?
Để sống trọn đời yêu thương nhau, đôi bạn phải:
– Sống đạo tốt.
– Tôn trọng phẩm giá và quyền lợi chính đáng của bạn mình.
– Lưu ý đến những khác biệt về tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng.

11. Việc sinh sản con cái có những ý nghĩa nào?
Việc sinh sản con cái có những ý nghĩa chính yếu này:
+ Thiên Chúa cho loài người được vinh dự cộng tác với Người trong việc tạo dựng.
+ Con cái là hoa quả tốt đẹp của tình yêu vợ chồng.
+ Góp phần tăng thêm cộng đoàn nhân loại và phát triển Hội thánh.

12. Bí tích Hôn nhân giúp đôi bạn nên thánh cách nào?
Nhờ ơn thiêng của BT Hôn nhân đôi bạn nên thánh trong niềm vui đón nhận nhau, sinh sản và giáo dục con cái.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI