Bài 9: Kinh nguyện Gia đình

0
900
Giáo lý hôn nhân công giáo, bài 9: Kinh nguyện Gia đình.

KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH

 

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Ta ao ước và thiết tha hy vọng trong các gia đình có những buổi sum họp dành cho Kinh nguyện… Gia đình nào muốn sống sung mãn ơn gọi và đường tu đức riêng của gia đình Công giáo, thì phải tận dụng mọi năng lực để khắc phục những khó khăn gây cản trở cho sự gặp gỡ kinh nguyện chung trong gia đình” (Tông huấn về lòng tôn kính Đức Maria, 54).

I. TẦM MỨC VÀ ÍCH LỢI.

1. Gia đình là “Hội thánh tại gia” (HT.11). Tựa như Hội thánh có nghĩa vụ thánh hóa các tín hữu nhờ các Bí tích và cử hành Phụng vụ, gia đình cũng phải giúp nhau nên thánh bằng mọi phương thế, cách riêng bằng việc tạo điều kiện để mọi người tham dự các cử hành ở Nhà thờ cách sốt sắng hơn. Để được thế, gia đình cần chú trọng tới việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói: “Để việc Phụng tự cử hành tại Nhà thờ được chuẩn bị và kéo dài ngay tại gia đình, thì các gia đình Công giáocần thực hiện cầu nguyện riêng”. Người còn nhắc nhở cha mẹ: “Các cha mẹ Công giáo có bổn phận đặc biệt giáo dục con cái biết cầu nguyện, phải giúp chúng dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Người” (GĐ. 60. 61).

2. Trong thực tế, việc gia đình cầu nguyện buổi tối, khi quây quần trước ảnh tượng Chúa và Mẹ Maria là cơ hội quí giá để mọi người thánh hóa sinh hoạt hằng ngày:

– Dâng lời cảm tạ vì các hồng ân lãnh nhận trong ngày.
– Dâng niềm vui nỗi buồn, dâng mồ hôi nước mắt, những thành quả lao động suốt ngày qua, để xin Chúa thanh tẩy, chấp nhận và chúc lành…

3. Cũng là cơ hội để cha mẹ dạy dỗ con cái, hướng dẫn chúng biết cách thực tập nhân đức, biết cách đối xử với mọi người, biết làm ăn sinh sống (ví dụ : kiểm điểm công việc, phân chia công việc cho hôm sau).

4. Một lợi ích khác cũng rất đáng kể: việc gặp gỡ mỗi ngày trong bầu không khí yêu thương đầm ấm và thánh thiện gia đình, sẽ tăng thêm tình thân ái giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng như những người cùng sống dưới một mái nhà; nhờ đó họ hiểu biết nhau hơn, thông cảm nhau hơn, dễ giúp nhau hơn và tránh được nhiều hiểu lầm, nghi kỵ.

II. NỘI DUNG KINH NGUYỆN.

1. Nội dung Kinh nguyện gia đình, trước hết là mọi vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống gia đình.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói : “Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình… Những vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những lần ra đi vắng nhà và trở về, những lựa chọn quan trọng và quyết định, cái chết của những người thân yêu… đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong lịch sử gia đình, và những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn cầu, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong tay Cha trên trời” (GĐ.59).

2. Nội dung kinh nguyện gia đình còn là những điều liên quan tới Hội thánh hoàn cầu, tới thế giới. Hội thánh cũng như thế giới có những công việc, những nhu cầu bao la cần mọi người chung lưng góp sức thực hiện và đáp ứng, mà kinh nguyện của các tín hữu khắp nơi là sự hỗ trợ quí giá nhất.

3. Các linh hồn trong luyện ngục (ông bà, cha mẹ, họ hàng, ân nhân, các linh hồn mồ côi) cũng là những đối tượng mà mọi gia đình phải quan tâm trong kinh nguyện cuối ngày.

III. HÌNH THỨC KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH.

1. Trước hết, chúng ta phải khách quan công nhận rằng Giờ Kinh nguyện Gia đình hiện nay đã bị xuống cấp do nhiều nguyên nhân :

  • Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức đầy đủ tầm mức và ích lợi việc cầu nguyện tại gia đình, nên thiếu quan tâm tổ chức, tham dự, khích lệ…
  • Một số khác, quá chú trọng vào lượng hơn vào phẩm : đọc những kinh dài lê thê, có khi khó hiểu đối với giới trẻ. Trong khi đó, không dành chỗ cho việc đọc Thánh Kinh, nên giờ kinh trở thành nặng nề, nhàm chán, thiếu sức sống, thiếu Lời Chúa hướng dẫn.
  • Vì cuộc sống hôm nay nhiều người còn khó khăn, lo chạy bữa, khiến mọi người mệt mỏi sau một ngày làm việc.
  • Cũng phải kể đến những giải trí công cộng diễn ra vào thời khắc bất lợi cho việc tổ chức giờ kinh tối gia đình.

2. Phải canh tân Kinh nguyện gia đình :

  • Vẫn giữ lại những kinh cần thiết làm nền cho giờ kinh nguyện : Kinh Truyền tin, kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng Danh, Lạy Nữ Vương, Cám ơn, Trông cậy, kinh Vực sâu.
  • Dành ít phút để đọc Lời Chúa.
  • Vẫn giữ việc lần hạt Mân côi, nhưng mỗi tối một vài chục.
  • Nên kéo dài giờ kinh 15 – 20 phút là đủ. Cần sống động, tâm tình, có ích lợi cho mọi người.

3. Đề nghị một giờ Kinh tối:

  • Mọi người tụ tập trước bàn thờ Chúa, thắp nến.
  • Nguyện kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến.
  • Xướng một mầu nhiệm Mân côi, lần hạt l chục, kinh Nữ Vương.
  • Đọc Phúc âm, thinh lặng, suy niệm, chia sẻ (chừng 5 phút).
  • Kinh Ăn năn tội, kinh Quan thầy, kinh Cám ơn, Vực sâu.
  • Hát bài kết thúc (kính Đức Mẹ hoặc theo mùa Phụng vụ).

Một buổi Kinh tối như trên, không quá khó để thực hiện nhưng cũng không dễ dàng, vì nó đòi hỏi từng người trong gia đình phải cố gắng và kiên trì.

BÀI HỌC

26. Kinh nguyện trong gia đình có cần thiết không?
Rất cần thiết vì Kinh nguyện chung giúp gia đình sống tốt đẹp ơn gọi Kitô hữu và dạy con cái biết cầu nguyện.

27. Giờ Kinh tối gia đình có những mục đích nào?
Giờ Kinh tối gia đình có những mục đích này:
– Cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân đã lãnh nhận.
– Dâng niềm vui, nỗi buồn của gia đình và bản thân lên Chúa.
– Kiểm điểm và giúp nhau kiểm điểm đời sống.
– Xin Chúa gìn giữ mọi người được an lành.
– Tăng thêm tình thân ái gia đình.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI