Bài 10: Gia đình và Hội Thánh

0
1366
Giáo lý hôn nhân công giáo, bài 10: Gia đình và Hội thánh.

GIA ĐÌNH VÀ HỘI THÁNH

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Giữa những nghĩa vụ căn bản của gia đình Kitô giáo, có một nghĩa vụ có thể nói là có tính cách Hội thánh, vì nghĩa vụ này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, đó là tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh” (GĐ. 49).

I. NHỮNG LIÊN HỆ.

Liên hệ giữa Gia đình và Hội thánh rất sâu xa và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình Công giáo là “Hội thánh tại gia” (HT.11). Công đồng còn nói: “Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn Hôn nhân và Gia đình” (MV. 47).

Do đó, Gia đình Công giáo cần tìm hiểu mối dây liên hệ này để chu toàn nghĩa vụ đối với Hội thánh.

1. Về phía Hội thánh

Mẹ Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình Công giáo bằng cách thực hiện cho gia đình sứ mạng Hội thánh đã nhận từ Chúa Kitô. Đó là :

a. Khi loan báo Tin mừng cho gia đình, Hội thánh nói cho gia đình biết bản tính đích thực của gia đình: Gia đình là gì? Phải trở nên như thế nào cho phù hợp ý Thiên Chúa.

b. Khi cử hành Bí tích Hôn phối, Hội thánh làm phong phú, củng cố, thánh hóa gia đình bằng ân sủng, hầu gia đình biết tôn vinh Thiên Chúa.

c. Hội thánh hướng dẫn gia đình biết cách phục vụ tình yêu thương, biết cách thực hiện hiến thân mà chính Chúa Kitô đã thực hiện trước đó cho nhân loại (x. GĐ. 49).

2. Về phía gia đình

Gia đình Công giáo đã được tháp nhập vào Hội thánh, sự tháp nhập này cho phép gia đình dự phần vào sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình. Đó là:

a. Khi lãnh Bí tích Hôn nhân, đôi bạn và cha mẹ Công giáo nhận được những ơn riêng dành cho họ, nhờ đó họ chu toàn bổn phận yêu thương trọn đời và giáo dục con cái nên thánh (x. HT. 11).

b. Đôi bạn nhận được tình yêu của Chúa Kitô như là mẫu gương và nguồn mạch ơn thánh hóa, nhờ đó gia đình trở thành một cộng đoàn được cứu rỗi.

c. Sau hết, đôi bạn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em mình, chính tình yêu của Chúa Kitô, và như thế, họ làm cho gia đình mình trở nên khí cụ cứu rỗi người khác.

II. NHỮNG NGHĨA VỤ.

1. Gia đình đối với Hội thánh

Do ân sủng nhận được từ Hội thánh qua Bí tích Hôn phối và do lời mời gọi tham dự vào sứ mạng của Hội thánh, gia đình Công giáo có nhiều trách nhiệm đối với Hội thánh:

a. Trước hết, gia đình phải có “một tấm lòng và một đức tin” với Hội thánh trong cảm thức cũng như trong việc Tông đồ. Gia đình phải nhạy cảm trước các biến cố xảy ra trong Hội thánh, phải chia sẻ những lo âu và hy vọng của Hội thánh.

b. Phải nhất trí với các giáo huấn của Hội thánh, và tìm cách làm cho các giáo huấn ấy được thực hiện.

c. Vì là tế bào của Hội thánh, gia đình phải trở nên tế bào lành mạnh để cả Nhiệm thể được lành mạnh : sống tình yêu toàn diện, hiệp nhất, trung thành và phong phú.

d. Vì là “Hội thánh tại gia”, gia đình Công giáo phải xây dựng nếp sống theo mẫu mực Hội thánh, gồm 3 chức năng : Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả tại chính gia đình mình, cũng phải thực hiện 3 chức năng ấy theo chiều kích Hội thánh toàn cầu, nghĩa là :

  • Về chức năng tư tế: “Như Hội thánh là dân Tư tế, luôn dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, cảm tạ qua Kinh nguyện, qua các nghi thức Phụng tự, nhất là Phụng vụ Bí tích, gia đình cũng phải thực thi chức năng tư tế của mình: đó là siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm tham dự các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, biết dâng hiến cuộc đời với mọi vui buồn, sướng khổ trong ý hướng cầu nguyện cho Hội thánh, cầu nguyện cho các chương trình mục vụ của Giáo xứ, Giáo phận và Hội thánh đạt kết quả tốt đẹp. Cần phải làm sao để mọi thành phần trong gia đình Công giáo tham dự vào Bí tích Thánh Thể nhất là các ngày Chúa nhật và lễ Trọng” (GĐ. 61).
  • Về chức năng Ngôn sứ: Như Hội thánh hằng kiên trì thực thi chức năng Ngôn sứ bằng cách trung thành lắng nghe và mạnh dạn công bố Lời Chúa, mỗi người cũng phải biết đón nhận, sống và thông truyền cho mọi phần tử trong gia đình, cũng phải biết học hỏi các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục Giáo phận, để truyền đạt lại cho người khác: “Trong nhiều hoàn cảnh ngày nay, việc dạy Giáo lý tại gia đình trở nên cần thiết đến mức tuyệt đối” (GĐ. 52).
  • Về chức năng Vương giả (Vương đế): Như Hội thánh luôn thi hành chức năng Vương giả bằng cách nỗ lực sắp xếp các thực tại trần thế dưới Vương quyền Chúa Kitô, đôi bạn và cha mẹ Công giáo cần tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc quản trị các thực tại trần gian và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa (HT. 31). Phải tổ chức gia đình theo hướng dẫn của Hội thánh, giúp người khác thực hiện việc tổ chức ấy trong tinh thần bác ái, hầu làm cho đời sống Hội thánh địa phương được tốt đẹp. Cũng biết góp phần xây dựng Giáo xứ tùy khả năng và hoàn cảnh.

Tóm lại, hãy nhớ lời khuyên của Công đồng Vaticanô II: “Các Gia đình hãy quảng đại, san sẻ cho nhau sự phong phú tinh thần. Như thế vì gia đình Công giáo phát xuất từ cuộc Hôn nhân là hình ảnh giao ước tìnhyêu nối kết Chúa Kitô và Hội thánh, họ sẽ làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa cứu thế trong thế giới và trong bản chất đích thực của Hội thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung thành của hai vợ chồng, cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình” (MV. 48)

2. Hội thánh đối với gia đình
(chỉ bàn tới Giáo luật về Hôn nhân)

a. Luật pháp cần cho Hôn nhân bởi Hôn nhân là một cuộc sống công khai. Cuộc sống công khai cần được nhìn nhận và bảo vệ.
– Là công dân, ta có luật “Hôn nhân và Gia đình” được Quốc Hội thông qua ngày 29.12.1986 gồm 57 điểm.
– Là người Công giáo, ta có 11 khoản trong bộ “Tân Giáo luật” ban hành ngày 25.01.1983.

b. Luật Hôn nhân có mục đích giúp đôi bạn thực hiện đời sống lứa đôi và gia đình theo tinh thần Chúa Kitô, bảo đảm việc kết hôn thành sự, củng cố tình yêu chuyên nhất và bền vững, nâng đỡ việc chu toàn nghĩa vụ sinh sản và giáo dục con cái.

c. Đối với người Công giáo, diễn tiến Hôn nhân phải được thực hiện trong khuôn khổ luật đạo, mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

III. SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ ĐIỂM GIÁO LUẬT VÀQUI ĐỊNH LIÊN QUAN TỚI VIỆC KẾT HÔN.

A. Để kết hôn thành sự

1. Hai bên đã rửa tội trong Hội thánh Công giáo. Trường hợp kết hôn với người ngoài Công giáo, phải có phép chuẩn khác đạo của Đức Giám mục (GL. 1086. I)

2. Phải đủ tuổi : Nam trọn 16, nữ trọn 14. Nhưng Hội thánh khuyên nên theo Dân luật tại mỗi Quốc gia (GL. 1083). Dân luật Việt nam qui định nam 20, nữ 18.

3. Phải ý thức và đầy đủ tự do ưng thuận lấy nhau (GL. 1057, 1095, 1096, 1101, 1103, 1104).

4. Hôn phối phải được cử hành theo nghi thức Hội thánh (GL. 1108).

5. Không mắc ngăn trở theo Giáo luật.

B. Mấy ngăn trở thông thường

1. Ngăn trở dây Hôn phối : một trong hai người còn bị ràng buộc bởi dây Hôn phối trước (GL. 1085).

2. Ngăn trở bất lực : một trong hai người trước khi kết hôn đã mắc chứng bịnh bất lực không thể chữa trị được (GL. 1084).

3. Ngăn trở họ hàng :

a. Họ máu:
+ Trực hệ : tiêu hôn ở mọi đời (GL.1091)
+ Bàng hệ : Hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ 4 (GL.1091,2)

b. Họ kết bạn: Hôn phối vô hiệu ở mọi cấp trực hệ (GL.1092).

4. Ngăn trở tội ác : Kẻ giết người phối ngẫu của một người (hoặc giết kẻ phối ngẫu của chính mình) để lấy người ấy. Khi hai người đồng tình trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của người phối ngẫu để lấy nhau (GL. 1090).

5. Một trong hai người bị ngăn trở bởi lời khấn công khai và trọn đời sẽ vô hiệu hóa hôn nhân (GL. 1088).

C. Qui định của Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc về thủ tục Hôn phối

(Theo thông cáo số 10.89/TGM ngày 15.06.1989)

Thống nhất việc đăng ký kết hôn như sau :

  • Phải trình diện với Cha xứ trước khi đăng ký kết hôn phần đời (thể thức tùy theo từng giáo xứ).
  • Việc học, khảo giáo lý và làm lời khai Hôn phối : Bên nào làm tại bên ấy. Cha xứ bên nam giới thiệu cho cha xứ bên nữ.
  • Có giấy giới thiệu, cha xứ bên nữ sẽ làm tờ rao Hôn phối cho cả hai bên.
  • Nếu không có gì ngăn trở theo Giáo luật thì được đăng ký phần đời. Sau đó cử hành nghi thức Hôn phối.
  • Muốn làm phép bên nào tùy ý chọn.

D. Hướng dẫn của Đức Giám mục Xuân Lộc về cưới hỏi
(Theo thông báo số 333/1 TGM ngày 2.9.1983)

“Chúng tôi đồng ý rằng việc cưới hỏi là một dịp vui lớn trong gia đình, trong xứ họ và đặc biệt đối với đôi tân hôn. Vui với ngưới vui là một việc làm rất đáng khuyến khích, cho nên mỗi khi trong giáo xứ có lễ cưới, nếu được cả cộng đoàn giáo xứ cùng dâng lễ cầu nguyện cho đôi tân hôn được nhiều ơn Chúa, để làm tròn bổn phận người Kitô trong đời sống gia đình và nên nhân chứng Chúa Kitô trong đời sống xã hội, thì quí giá biết bao.

Còn việc tổ chức ăn uống linh đình, tốn phí tiền của quá đáng, đấy là một việc làm không hợp lý. Đã thế, việc làm này dễ trở nên dịp ganh đua lấy tiếng như: tổ chức lễ cho to, đàn hát rầm rộ, rước dâu xe hoa xe khách, ăn nhậu linh đình… Đối với những người có của thì có thể trở nên dịp khoe khoang, giữa lúc chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người, bao nhiêu công trình cần thiết phải giúp đỡ, phải xây dựng. Xài phí quá đáng như vậy là việc trái với đức ái của Đạo. Còn đối với những người không có của thì: “vì tiếng đời” hoặc “phải trả nợ miệng” mà phải vay mượn để tổ chức, họ sẽ rơi vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát, con cái thay vì trăm năm hạnh phúc, lại lâm cảnh lo trả nợ suốt đời. Vì thế :

  1. Chúng tôi yêu cầu anh chị em tiết giảm tối đa trong việc cưới hỏi. Ăn uống vui tươi nhưng tránh quá tốn phí. Chỉ được tổ chức bữa ăn đơn giản trong ngày dạm hỏi và một bữa ăn thân mật trong chính ngày cưới. Bỏ những bữa tiệc trà, bánh ngọt và những bữa ăn phụ khác.
  2. Thánh lễ cưới sao cho trang trọng, sốt sắng, đồng đều cho mọi người, không phân biệt thứ hạng (trừ trường hợp đặc biệt cho những người ân nghĩa của Giáo xứ).
  3. Các Linh mục trong xứ không nên đi dự tiệc cưới.
  4. Tránh hẳn nạn thách cưới hoặc ra giá cả như một việc mua bán.

BÀI HỌC

28. Công Đồng Vaticanô II nói thế nào về liên hệ giữa gia đình và Hội thánh?

Công đồng dạy :“Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn Hôn nhân và Gia đình”(Hc. MV. 47).

29. Hội thánh liên hệ thế nào với Gia đình?

Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình Công giáo.

30. Gia đình liên hệ thế nào với Hội thánh?

Gia đình dự phần sứ mệnh cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình.

31. Gia đình có nghĩa vụ gì đối với Hội thánh?

Gia đình có nhiều nghĩa vụ đối với Hội thánh:
– Gia đình phải hiệp thông với Hội thánh.
– Gia đình phải tuân giữ các giáo huấn của Hội thánh.
– Gia đình thi hành 3 chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả theo cách thức riêng của mình.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI