Bài 17: Sống công bình, sống theo sự thật

0
589
Giáo lý dự tòng công giáo. Bài 17: Sống công bình, sống theo sự thật.

Nghe audio bài giảng đi kèm. Xin lưu ý: nội dung audio không thể thay thế cho những giờ học thực tế của Anh/Chị trên lớp.

SỐNG CÔNG BÌNH – SỐNG THEO SỰ THẬT

I. LỜI CHÚA

“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21)

II. TRÌNH BÀY

Điều răn thứ 7 và 10 dạy ta những gì?

1. Tôn trọng của cải người khác trong hành động là gì?
Là không gây thiệt hại về của cải người khác: gian lận, lường gạt, tráo đổi sản phẩm, trộm cắp, hối lộ, vay mượn không trả, làm hư hao không đền bù, làm việc thiếu tận tâm, không trả tiền lương cân xứng, oa trữ của gian, không trả của lượm được khi có thể…

2. Tôn trọng của cải người khác trong tư tưởng là gì?
Là chấp nhận chủ quyền của người khác đối với của cải của họ; là không tham lam mơ ước tài sản người khác hoặc tìm cách chiếm đoạt cách bất công, vì mơ ước bất chính như thế là căn nguyên xui khiến vi phạm thực sự tài sản tha nhân.

3. Có khi nào ta lỗi giới răn 7 đối với người nghèo không?
Của cải là tài sản chung của mọi người. Ai cũng có quyền có tài sản để sống xứng đáng nhân phẩm; vì thế quyền tư hữu là chính đáng. Tuy nhiên, hoang phí của cải là có tội, hà tiện là có tội, không chia sớt cho người nghèo đói khi ta có thể, là “giữ của cách bất công” (x. Ga 4,15-16), là phạm đến chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

4. Điều răn 8 dạy ta những gì?
Điều răn 8 dạy ta tôn trọng sự thật và danh giá người khác.

5. Tôn trọng sự thật là gì?
Là suy nghĩ cách ngay thẳng, nói đúng sự thật, hành động theo lương tâm (đã được giáo dục).

6. Tại sao phải tôn trọng sự thật?
Vì Chúa Giêsu là sự thật. Sống theo sự thật là sống theo Chúa Giêsu.
Vì sự thật là nền tảng đời sống xã hội, là căn bản cho việc giao tiếp giữa loài người với nhau.

7. Khi nào ta lỗi sự thành thật?
Ta lỗi sự thành thật khi ăn gian nói dối, lừa đảo, chữa mình, không đủ can đảm nhận khuyết điểm…

Có khi nào được phép nói dối không? Không bao giờ được phép nói dối, dù để chữa mình hay bênh vực người khác. Trường hợp lương tâm đòi buộc giữ kín điều gì, thì ta phải nói cách nào để điều ấy không bị tiết lộ.

8. Tôn trọng danh giá người khác là gì?
Người đời thường nói: “Tốt danh hơn lành áo”, nghĩa là người đời quí trọng danh giá hơn của cải vật chất. Cho nên làm hại danh giá người khác là tội rất nặng: nói hành, vu oan, dị nghị, cắt nghĩa xấu cho cho một người… đều làm thiệt hại danh giá người khác. Hồ nghi điều xấu cho người khác khi không đủ lý do cũng có nguy cơ làm hao tổn danh giá người đó.

9. Phải đền bù danh giá người khác cách nào?
Đức công bình đòi ta phải trả tiếng tốt và danh dự cho người khác, như xin lỗi công khai, nói lại với những người đã nghe mình vu oan, bịa đặt… lại phải đền bù những thiệt hại vật chất, nếu có.

III. BÀI HỌC

51. Điều răn thứ 7 và thứ 10 dạy ta những gì?
Điều răn thứ 7 và thứ 10 dạy ta tôn trọng của cải người khác trong hành động cũng như trong tư tưởng.

52. Có khi nào ta lỗi điều răn thứ 7 đối với người nghèo không?
Có. Đó là khi ta có thể giúp đỡ được mà bỏ qua, hoặc hoang phí, hay hà tiện.

53. Điều răn thứ 8 dạy ta những gì?
Điều răn thứ 8 dạy ta tôn trọng sự thật và danh giá người khác.

54. Khi lỗi những điều răn này, ta phải làm gì?
Ta phải tìm cách đền bù cân xứng.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG

Vi phạm của cải, danh giá người khác thì dễ mà đền bù thì rất khó. Tôi quyết tâm không dám tơ hào của ai.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, Chúa dạy con tôn trọng của cải và danh dự người khác. Xin giúp con biết thực thi công bình bác ái với mọi người.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI