Bài 36: Tứ Chung

0
505
Giáo lý dự tòng công giáo. Bài 36: Tứ chung.

Nghe audio bài giảng đi kèm. Xin lưu ý: nội dung audio không thể thay thế cho những giờ học thực tế của Anh/Chị trên lớp.

TỨ CHUNG

I. LỜI CHÚA
“Khi Con Người vinh hiển quang lâm có toàn thể Thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ tập họp trước mắt Người và Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mt 25,31-32)

II. TRÌNH BÀY
Ngay từ bài đầu tiên, bạn đã thấy loài người không ngừng khắc khoải về nguồn gốc và số phận sau cùng đời mình: loài người bởi đâu mà có, chết rồi đi đâu?

Đức tin Công giáo soi sáng bạn về 4 vấn đề sau hết của cuộc đời gọi là tứ chung.

1. Chết
Xét theo tự nhiên: Chết là chấm dứt sự sống nơi sinh vật. Chết là định luật tất yếu của muôn loài.

Xét theo đức tin:

  • Chết là hậu quả của tội lỗi: vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết (Rm 5,12).
  • Chết là ngưỡng cửa bước vào đời sau: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì có sự sống đời đời…, giã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Ta thường gọi một người chết là “qua đời”.
  • Chết là tham dự cuộc Tử nạn của Chúa Kitô để được Phục sinh với Người trong vinh quang: “Ao ước của Tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1,23).

2. Phán xét
Dưới ánh sáng đức tin, chết là kết thúc thời gian cứu độ Chúa dành cho mỗi người. Vì thế, sau khi chết, mỗi người đều bị xét xử về các việc lành dữ đã làm khi còn sống, để nhận lấy số phận đời đời, hạnh phúc hoặc đau khổ.

Thánh Kinh xác quyết chính Chúa Giêsu Kitô sẽ phán xét chung toàn thể loài người vào ngày thế mạt. Thánh Kinh cũng cung cấp nhiều yếu tố giúp ta nhận ra có phán xét riêng từng người liền sau khi người ấy chết. (x. Dụ ngôn Lazarô – Lc 16,19-31); Lời Chúa nói với người trộm sám hối (Lc 23,43).

3. Thiên đàng
Hội Thánh tin rằng linh hồn những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa và đã được thanh tẩy vẹn toàn, sẽ được sống với Chúa Kitô trong Nước Trời. Đó là hưởng hạnh phúc Thiên đàng.

Thánh Phaolô đã nói về hạnh phúc Thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

Như thế Thiên đàng là một trạng thái hạnh phúc hơn là một nơi chốn.

Niềm tin có luyện ngục dựa trên Thánh Kinh và Phụng vụ (x. Lc 3,9; 2 M 2,46). Luyện ngục là tình trạng thanh luyện cuối cùng của những người được chọn; những người chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa tẩy sạch mọi tỳ vết tội lỗi hoặc chưa đền bù ảnh hưởng các hành vi xấu, thì phải chịu một cuộc thanh luyện rất đau đớn, trước khi xứng đáng hưởng tôn nhan rất thánh thiện của Thiên Chúa.

4. Hỏa ngục
Hội Thánh tin rằng những người đã chết trong tình trạng tội lỗi và những kẻ cố tình không tin Chúa sẽ bị xa Chúa đời đời. Đó là hình phạt hỏa ngục. Họ tự ý khước từ hạnh phúc. Nếu nói về hình phạt hỏa ngục, thì hình phạt nặng nề nhất là không được hưởng mặt Chúa, là phải xa cách Chúa đời đời. Sự thất vọng vô bờ bến ấy gây nên trong họ nỗi đau đớn cực độ, mà không bao giờ có hy vọng chấm dứt được nữa (x. Lc 16,26; Mt 25,1).

Như thế, hỏa ngục là trạng thái dứt khoát của án phạt hơn là một nơi chốn.

III. BÀI HỌC

105. Xét theo đức tin Công giáo, chết là gì?
Chết là hậu quả của tội lỗi, là ngưỡng cửa bước vào đời sau. Chết còn là điều kiện để người tín hữu tham dự vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô.

106. Phán xét là gì?
Là việc Thiên Chúa luận định tội phúc loài người đã làm khi còn sống ở trần gian, rồi ấn định số phận đời đời cho họ.

107. Thiên đàng là gì?
Thiên đàng là trạng thái được hạnh phúc ở với Chúa mãi mãi.

108. Hỏa ngục là gì?
Hỏa ngục là trạng thái dứt khoát của án phạt mà hình phạt đau đớn nhất là phải xa Chúa đời đời.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Can đảm nhìn thẳng vào sự chết để kiên trì sống thánh thiện.

V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa phán xét thật công minh. Xin cho con biết sống ngay thẳng với lương tâm để được Chúa đối xử khoan dung trong ngày phán xét.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI