Bài 7: Đôi bạn và các Bí tích

0
1120
Giáo lý hôn nhân công giáo, bài 7: Đôi bạn và các Bí tích.

ĐÔI BẠN VÀ CÁC BÍ TÍCH

 

LỜI HƯỚNG DẪN

“Các Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân thể Chúa Kitô và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa… Do đó, việc quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các Bí tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu” (PV. 59)

I. HÔN PHỐI VÀ PHÉP RỬA.

1. Thánh Phaolô, khi viết về tình yêu đôi bạn, đã dạy : “Chồng hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Hội thánh, hiến thân vì Hội thánh, để sau khi dùng nước và Lời hằng sống rửa cho sạch, thì thánh hóa Hội thánh” (Ep 5,25). Nghĩa là nhờ cái chết và tình yêu tận hiến, Chúa Kitô đã biến Hội thánh thành trinh trong và là mẹ sự sống thế nào, thì nhờ Bí tích Rửa tội đôi bạn được trở nên phần tử của Hội thánh ; nhờ Bí tích Hôn phối, đôi bạn được thông phần giao ước tình yêu của Chúa Kitô và Hội thánh. Như vậy, lòng trung thành trong đức tin và đức mến mà mỗi người tuyên hứa khi chịu phép rửa tội, cũng chính là lòng trung thành, và tình yêu mà đôi bạn trao cho nhau trong giao ước Hôn nhân.

Vì thế, khi đôi bạn sống Bí tích Rửa tội của mình trong đời sống chung, họ làm cho chính lời giao ước Hôn nhân của họ được thực hiện.

2. Phép Rửa rất cần cho được sống đời đời :“Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần, không được vào Nước Trời” (Ga 3, 5). Chính Phép Rửa tha tội tổ tông và tội riêng, ban ơn thánh hóa, sinh ta làm con Thiên Chúa và Hội thánh.

Do đó, đôi bạn cần đặc biệt quan tâm thực hiện việc rửa tội cho con cái tùy theo các trường hợp sau đây:

a. Trường hợp thông thường

Khi sinh con được chừng một tháng, cha mẹ và người đỡ đầu đưa con đến nhà thờ xin Linh mục rửa tội cho em. Nên có sự hiện diện đông đủ và ý thức của mọi người trong gia đình. Có thể tổ chức việc mừng “đầy tháng” cho em vào ngày rửa tội.

b. Trường hợp nguy tử

Khi em chưa được rửa tội mà đau nặng, thì cha mẹ lo liệu cho em được rửa tội ngay bằng cách :

– Tìm người khác (nếu không có ai thì cha hay mẹ) rửa tội cho em như sau : Lấy nước lã đổ trên trán em, vừa đổ vừa đọc :“T. Cha (mẹ) rửa con : nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Khi làm việc này, ít nhất có ý hướng làm theo ý Hội thánh.
– Ghi vào sổ gia đình Công giáo và sớm trình cha sở.
– Khi em khoẻ lại, có thể đưa em tới xin chịu “phép bù”.

c. Trường hợp tối khẩn.

Khi sẩy thai hoặc khó sinh, đôi bạn cần chú ý :

– Mọi bào thai phải được rửa tội dù nó được bao nhiêu tháng. Nếu bào thai chắc chắn còn sống, thì rửa tội cách tuyệt đối: “T. Cha (mẹ) rửa con : nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nếu hồ nghi thai đã chết, thì rửa tội hồ nghi :“T. nếu còn sống, cha (mẹ) rửa con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
– Khi sẩy thai thì xé bọc thai rồi đổ nước hoặc dìm vào nước và đọc :”Nếu nên, ta rửa con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
– Quái thai cũng phải rửa tội.

II. HÔN PHỐI VÀ THÊM SỨC

Khi lãnh Bí tích Thêm sức, người tín hữu được đầy ơn Chúa Thánh Thần, để trở nên chứng tá đức tin, có nhiệm vụ bảo vệ và mở mang Nước Chúa.

Khi lãnh Bí tích Hôn phối, đôi bạn trở thành nhân chứng cho tình yêu tự hiến và xây dựng Nước Chúa trong chính bậc sống Hôn nhân của mình.

Những hy sinh, đau khổ, những thử thách trong cuộc sống chung, sự giáo dục con cái nên người và nên con Chúa đều là những công việc quí giá góp phần mở mang Nước Chúa. Chính ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ giúp đôi bạn chu toàn những nhiệm vụ trên.

III. HÔN PHỐI VÀ GIẢI TỘI

Trước khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối, Hội thánh khuyên đôi bạn xưng tội. Xưng tội để tâm hồn được trong sạch, xứng đáng lãnh nhận dồi dào ơn huệ Chúa ban trong ngày thành hôn.

Nhưng suốt quá trình chung sống, đôi bạn không sao tránh hết mọi khuyết điểm, sai sót: những sai sót về tình yêu, về lòng trung thành, về đức nhẫn nại… có thể làm họ chán nản cuộc sống chung. Bấy giờ, Bí tích Giải tội sẽ xóa đi những lỗi lầm ấy và ban nhiều ơn giúp đôi bạn phấn khởi tiến bước trong cuộc sống hôn nhân, với nhiều cố gắng mới. Cũng nhờ Bí tích Giải tội, họ ý thức được những buồn phiền đã gây ra cho nhau, từ đó trở nên xả kỷ, quảng đại hơn. Họ cũng phấn đấu sống hòa hợp với các phần tử khác trong gia đình, với lối xóm.

IV. HÔN PHỐI VÀ THÁNH THỂ

Ơn vô giá mà đôi bạn được hưởng trong Thánh lễ Hôn nhân là Hiệp lễ. Lúc ấy họ được tham dự vào chính giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, họ được Chúa làm bạn đồng hành, được Người trợ lực suốt cuộc đời.

Cùng dâng lễ và hiệp lễ ngày ấy cũng như nhiều ngày khác, đôi bạn phải tự buộc mình sống tình yêu Chúa Kitô và thương mến nhau hơn. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, đôi bạn dễ lướt thắng những cái vụn vặt khó chịu hằng ngày.

V. HÔN PHỐI VÀ TRUYỀN CHỨC

Hôn phối và Truyền chức là 2 Bí tích xã hội, vì nhằm xây dựng một xã hội do chính Chúa Kitô thiết lập, đó là Hội thánh.

Bí tích Hôn phối làm tăng số con cái trong Hội thánh. Bí tích Truyền chức tuyển chọn các thừa tác viên phục vụ Hội thánh. Chính ơn gọi Linh mục được gieo mầm từ trong gia đình, cho nên gia đình được gọi là “Chủng viện sơ khai” (ĐTLM. 20).

Do đó, Công đồng Vatican II khuyên: “Cha mẹ hãy thận trọng giúp con cái lựa chọn ơn gọi; và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ hãy thận trọng nuôi dưỡng ơn thiên triệu đó” (TĐGD. 11).

VI. HÔN PHỐI VÀ XỨC DẦU BỆNH NHÂN.

Trong ngày cưới, đôi bạn hứa chung thủy với nhau cho đến chết. Cái chết niêm ấn lòng trung tín trọn vẹn của họ. Ở biên giới sự sống và sự chết, phép XỨC DẦU kết thúc đoạn đường lữ hành và mở ra cho cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Thể lúc ấy là của ăn đàng giúp người tín hữu đủ sức đi tới bàn tiệc muôn thuở của giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh khải hoàn. Trên giường hấp hối, đôi bạn thấu triệt được ý nghĩa cao đẹp cuộc sống chung đầy nỗ lực của mình, đó là cuộc đồng hành với Chúa Kitô, là thời gian thử thách và tinh luyện tình yêu, là đoạn đường dẫn tới cuộc sống mai sau vĩnh cửu đầy hạnh phúc.

– Hãy liệu cho bệnh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu lúc còn tỉnh táo.
– Những người thân yêu nên có mặt trong giờ phút ấy để cầu nguyện cho bệnh nhân; cũng là để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, vì lúc ấy bệnh nhân thường rất sợ cô độc.
– Vấn đề “chung sự” nên tổ chức đơn giản, có ý nghĩa, tránh những lãng phí, phô trương. Hãy chú trọng tới tinh thần.

ĐGM Giáo phận đã nhắn nhủ về vấn đề này như sau (Trích Thư chung số 333/1/TGM số 1):

“VIỆC MA CHAY” : Thật không có gì tỏ tình đoàn kết và bác ái bằng việc chúng ta cùng đến nhà hiếu cầu nguyện, cùng nhau tham dự Thánh lễ an táng và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’. Việc làm đó cũng giúp thân nhân người quá cố biết nhìn thấy trong việc ra đi của người thân yêu, ý nghĩa siêu nhiên của cuộc đời chúng ta :

– Một cuộc đi về Nhà Chúa.
– Biết biến sự đau khổ thành lời cầu nguyện cho người quá cố được mau về hưởng tôn nhan Chúa.

Do đó, nếu lợi dụng dịp này để tổ chức ăn uống linh đình bên xác người chết, thì việc làm đó trái với tinh thần hy sinh, bác ái, và làm cho đám tang mất ý nghĩa cao siêu. Hơn nữa, việc tổ chức ăn uống, nhiều khi trở nên gánh nặng cho tang quyến và còn có thể vì đó gây ra cãi lộn, chia rẽ trầm trọng trong gia đình.

Vì thế :

1. Chúng tôi yêu cầu anh chị em bãi bỏ việc ăn uống, không những trong ngày an táng, mà còn trong cả ngày giỗ kỵ. Hãy nêu cao tinh thần Thánh Phaolô: “Khóc với người khóc…” mà đừng trở thành gánh nặng cho ai.
Nếu phải giải quyết cơm nước cho người ở xa, thì phải tiết giảm tối đa: cơm đơn giản, không tổ chức ăn bên cạnh người chết..

2. Thánh lễ và nghi thức an táng phải đồng đều cho hết mọi người. Không có phép Tòa Giám mục, không được cử hành Thánh lễ tại nhà hiếu, kể cả những Linh mục khác Giáo phận. Các vùng Kinh tế mới và nơi không có Linh mục, có qui chế riêng.

3. Được sử dụng kèn tây, kèn ta, nhưng của xứ nào thì sử dụng tại xứ ấy, không đem đi xứ khác. Kèn chỉ sử dụng trong lúc di quan, lễ an táng, để tránh phiền hà cho đồng bào lối xóm trong giờ nghỉ ngơi.

4. Xứ nào Linh mục đã có thói quen theo xác ra nghĩa địa thì cứ giữ, nhưng phải làm sao cho mọi người được hưởng đồng đều.

5. Bỏ các hình thức cổ hủ: đội mũ rơm, thắt lưng dây chuối, chống gậy…

BÀI HỌC

20. Các Bí tích giúp gì cho đời sống đôi bạn?
Các Bí tích có mục đích thánh hóa loài người, xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và thờ phượng Thiên Chúa. Riêng đối với đôi bạn, các Bí tích nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, còn thánh hóa tình yêu vợ chồng, ban nhiều ơn sủng giúp đôi bạn chu toàn trách nhiệm đối với nhau và đối với con cái.

21. Hôn nhân liên hệ với Bí tích Rửa tội thế nào ?
Có liên hệ cơ bản vì chỉ những ai đã Rửa tội mới có thể cử hành Bí tích Hôn nhân. Hơn nữa, Bí tích Rửa tội là cửa ngõ vào Nước Trời (x. Mc 16,16), nên do tình thương và trách nhiệm, cha mẹ phải lo liệu cho con cái được rửa tội theo qui định của Hội thánh.

22.Cha mẹ phải lo liệu việc Rửa tội cho con cái thế nào?
Cha mẹ phải lo cho con cái được Rửa tội như sau:
a. Lúc bình thường: Sau khi sinh con khoảng một tháng, cha mẹ cùng người đỡ đầu, đem con đến Nhà thờ để Linh mục rửa tội.
b. Khi nguy tử: cha mẹ hoặc người khác rửa tội cho con.
c. Trường hợp sẩy thai bất cứ vào giai đoạn nào, cũng phải rửa tội.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI