Bài 4: Giáo dục con cái

0
1302
Giáo lý hôn nhân công giáo, bài 4: Giáo dục con cái.

GIÁO DỤC CON CÁI

 

LỜI HƯỚNG DẪN 

“Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn trong mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống nhân bản trọn vẹn” (GĐ. 36).

I. QUYỀN VÀ BỔN PHẬN GIÁO DỤC.

1. Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp đỡ chúng phát triển toàn diện con người.

2. Việc giáo dục này là quyền lợi và bổn phận của cha mẹ, không ai có thể thay thế được.

3. Điều đó còn là vinh dự của cha mẹ Công giáo, vì khi thi hành bổn phận giáo dục, họ biết mình cộng tác với tình yêu Thiên Chúa và trở thành người diễn đạt tình yêu của Người (x. MV. 50).

4. Bậc cha mẹ hãy ghi nhớ điều này: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được” (TN. Giáo dục Kitô giáo 3).

5. Muốn giáo dục thành công, cha mẹ cần lưu ý mấy điểm rất quan trọng này:
a) Cha mẹ phải thăng tiến chính bản thân trước đã : phải nêu gương đời sống cao đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác, vì “cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
b) Cha mẹ phải nhất trí trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái : tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng phương thức thích hợp giúp chúng đạt mục đích.
c) Tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, mọi người sống hòa thuận, lạc quan và biết tín nhiệm nhau.

II. NHỮNG MỤC TIÊU GIÁO DỤC.

Phải giáo dục con cái về toàn diện mà cụ thể là những điểm sau:

1. Giáo dục tôn giáo

Quan điểm đầu tiên của cha mẹ Công giáo là phải dạy dỗ con cái về Thiên Chúa, về đạo lý, về cách sống đạo. Việc giáo dục tôn giáo phải bắt đầu ngay từ tấm bé, vì cây “bé ngả chiều nào, lớn ngả chiều ấy”; và phải tiếp tục không ngừng.
Đặc biệt người mẹ, thường gần gũi con hơn, nên có trách nhiệm thường xuyên và cụ thể hơn.
Muốn được thế, cha mẹ phải hiểu biết giáo lý, phải sống đạo như: siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và các Bí tích, nêu gương sáng ở đời sống hằng ngày…

2. Giáo dục ngôn từ và văn hóa

Dạy trẻ biết nói năng và cư xử lễ độ. Trẻ hay bắt chước ngôn từ và cách sống của người khác. Vì thế, cha mẹ nên để mắt tới bạn bè chúng; sửa dạy những câu nói, cử chỉ khiếm nhã; theo dõi và khích lệ việc học hành của chúng, chọn và kiểm soát sách báo: Trẻ em chỉ nên đọc những sách dành cho tuổi chúng, hướng dẫn chúng đọc những sách báo hữu ích.

3. Giáo dục sức khỏe

“Tinh thần sáng suốt trong thân xác lành mạnh”. Sự sạch sẽ bên ngoài là một trợ lực quí giá cho sự trong sạch tâm hồn, và nhiều khi còn là phản ảnh tự nhiên của tâm hồn cao đẹp nữa. Giúp chúng tập luyện thân xác, tăng cường sức lực. Dạy chúng biết tôn trọng thân xác là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

4. Giáo dục các đức tính nhân bản xã hội

Tục ngữ có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Song song với việc giáo dục sức khỏe, cha mẹ cần tích cực giáo dục con cái về các đức tính cá nhân và xã hội : Cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ; công, dung, ngôn, hạnh… là những đức tính vốn được người Việt nam ưa chuộng. Vì thế cần giúp chúng ngay từ bé biết rèn luyện những đức tính ấy.

5. Giáo dục giới tính

Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị, nhưng không thể bỏ qua trong việc giáo dục.
Ở từng lứa tuổi, trẻ em thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Do đó, tùy hạng tuổi, cha mẹ cần cắt nghĩa cho chúng vấn đề ấy, trong tình thân ái, tế nhị và trong sạch. Đó là bổn phận trước tiên của cha mẹ, vì cha mẹ hiểu con cái mình hơn, biết lúc nào chúng thắc mắc, biết giải đáp tới đâu là đủ cho chúng, biết lợi dụng cơ hội thuận tiện nhất.

+ Nếu cha mẹ khước từ việc này, các em sẽ tò mò tìm hiểu nơi sách vở, báo chí thiếu đứng đắn, nơi bạn bè, phim ảnh… và hậu quả thật tai hại.
+ Biết giáo dục đúng đắn và đúng lúc, sẽ tạo được nơi các em thế quân bình, là điều cần thiết cho mọi thành công trên đường đời.

6. Giáo dục tương lai 

Cha mẹ hướng dẫn các em biết nhìn về tương lai, vạch định một chí hướng cho đời mình. Giúp các em tập lựa chọn, dù lựa chọn ấy còn non yếu nhưng rất ích lợi cho các lựa chọn quan trọng sau này.
Nhắc nhở, tạo điều kiện để các em xác tín và trung thành với ý hướng và ơn gọi của mình.

BÀI HỌC

13. Giáo dục con cái là gì ?
Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp chúng phát triển con người toàn diện về thể lý, trí tuệ, đức hạnh và tôn giáo.

14. Việc cha mẹ giáo dục con cái hệ trọng thế nào ?
Đối với cha mẹ, việc giáo dục con cái vừa là một bổn phận, vừa là một vinh dự vì khi thi hành công việc ấy, họ cộng tác với Thiên Chúa chăm sóc mầm non quí giá cho xã hội và Hội thánh.

15. Muốn giáo dục thành công, cha mẹ phải thế nào ?
Cha mẹ phải :
+ Thăng tiến và thánh hóa bản thân.
+ Nhất trí với nhau trong đường hướng và cách thức giáo dục.
+ Tạo bầu khí gia đình hòa thuận, thánh thiện và tín nhiệm nhau.


Cách lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh mân côi

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI